Hơn 1.300 chuyến bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa

Theo Sở Công thương TPHCM, kết thúc Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) trên địa bàn TPHCM năm 2017 - Tết Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp đã thực hiện hơn 1.300 chuyến bán hàng lưu động, tập trung tại các KCX- KCN, quận ven và huyện ngoại thành. 

 

Bán hàng lưu động Co.opmart Ảnh: CAO THĂNG
Bán hàng lưu động Co.opmart Ảnh: CAO THĂNG
Các chuyến bán hàng lưu động được tổ chức thành 3 nhóm, do Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty TNHH Ba Huân làm đầu mối (riêng tại huyện Cần Giờ, các doanh nghiệp ưu tiên Công ty CP Thương mại dịch vụ Cần Giờ làm đầu mối). Tổng doanh thu từ các đợt bán hàng lưu động đạt hơn 34,82 tỷ đồng.

Để triển khai CTBOTT năm 2018-2019, bắt đầu từ ngày 1-4-2018, Sở Công thương đề nghị các DN thực hiện đúng các cam kết, quy định của chương trình và kế hoạch triển khai chương trình được nêu tại Quyết định 1171 của UBND TPHCM về đảm bảo hàng hóa tham gia đủ số lượng, đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá Sở Tài chính đã thẩm định, phê duyệt. Tích cực phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng BOTT, chú trọng phát triển điểm bán tại quận ven, huyện ngoại thành, chợ truyền thống, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể... Các mặt hàng BOTT được bày bán tập trung, có khu vực riêng tại vị trí dễ nhận biết, thuận tiện mua sắm, bảng chỉ dẫn có nội dung “Khu vực bán hàng BOTT”… 

Theo nhận định của Sở Công thương, CTBOTT là công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả của TPHCM. Cùng với sự phát triển, mở rộng và nâng chất của hệ thống phân phối, hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, được cung ứng đầy đủ, phong phú, đa dạng, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, thực hiện an sinh xã hội và tạo được uy tín, niềm tin lớn trong người dân thành phố.

Việc thực hiện CTBOTT và triển khai các chương trình Hợp tác thương mại, Kết nối cung - cầu, Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp... các doanh nghiệp tham gia chương trình có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn, lãi suất phù hợp phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất; có thêm cơ hội để liên doanh liên kết, hợp tác, khai thác vùng nguyên liệu; giảm chi phí, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện công tác BOTT ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn; không những đủ năng lực thực hiện trên địa bàn thành phố mà còn tham gia hỗ trợ các địa phương bạn trong việc thực hiện nhiệm vụ BOTT của cả nước do Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo.

Tin cùng chuyên mục