Hollywood tích cực bảo vệ môi trường

Thực phẩm dùng tại lễ trao giải Oscar năm 2020 (dự kiến diễn ra vào ngày 9-2) sẽ gần như hoàn toàn từ nguồn gốc thực vật nhằm bảo vệ môi trường. 
Một món ăn chay trong buổi tiệc tại lễ trao giải Quả cầu vàng đầu tháng 1-2020
Một món ăn chay trong buổi tiệc tại lễ trao giải Quả cầu vàng đầu tháng 1-2020

Thực đơn cho bữa tiệc trưa hàng năm cho các ứng cử viên Oscar cũng như thức ăn cầm tay được phục vụ trước lễ trao giải Oscar ở Hollywood vào ngày 9-2 sẽ 100% dựa trên thực vật. Thực đơn cho tiệc chiêu đãi được tổ chức ngay sau lễ trao giải Oscar sẽ là 70% thức ăn có nguồn gốc thực vật. Các chai nước bằng nhựa và đồ uống khác trong hộp nhựa sẽ bị loại khỏi tất cả các sự kiện của Oscar. Đây là thông báo của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS), tổ chức có 8.000 thành viên. 

Trước đó, lễ trao giải Quả cầu vàng và giải Screen Actors Guild cũng có bước đi tương tự. Nhà làm phim kiêm diễn viên Joaquin Phoenix, thông qua Hiệp hội Báo chí nước ngoài Hollywood (HFP), đã đề nghị thay đổi thực đơn tại giải Quả cầu vàng. Do đó, bít tết và cá được thay thế bằng nấm. Món tráng miệng có tên là “mái vòm opera” được làm mà không có trứng, gelatin hoặc bơ. Phoenix và vợ sắp cưới của ông, nữ diễn viên Rooney Mara, là những người ăn chay lâu năm và là những nhà hoạt động vì quyền động vật. Trong bài phát biểu nhận giải Quả cầu vàng, Phoenix đã cảm ơn HFP vì đã cảnh báo mối liên hệ giữa ngành chăn nuôi gia súc và biến đổi khí hậu. 

Rất nhiều ngôi sao Hollywood quyết định ăn chay, không chỉ để bảo vệ sức khỏe mà còn vì liên quan đến biến đổi khí hậu, vấn đề đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Hollywood. Nhiều ngôi sao đã đề cập đến môi trường trong các bài phát biểu và phỏng vấn. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ phải làm nhiều hơn nữa trước yêu cầu cấp bách chống biến đổi khí hậu chứ không chỉ dừng lại ở các buổi lễ trao giải. Sản xuất phim và truyền hình cũng tác động lớn đến sinh thái. Một nghiên cứu bước ngoặt năm 2006 của Đại học California, Los Angeles (UCLA) ước tính rằng, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ thải ra 15 triệu tấn CO2 mỗi năm. 

Các địa điểm hoạt động chính của điện ảnh Mỹ như Los Angeles, Hollywood là những nơi gây ô nhiễm lớn (hơn cả ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, quần áo, khách sạn và bán dẫn). Một bộ phim trung bình ước tính tạo ra 500 tấn khí thải CO2, tương đương chạy 108 chiếc xe trong một năm. Phim càng nhiều chi phí càng thải nhiều khí CO2. Một bộ phim chi phí 50 triệu USD có thể thải ra 4.000 tấn khí thải CO2.

Hầu hết các hãng phim lớn hiện nay đều có các chiến lược khuyến khích sử dụng năng lượng sạch trên phim trường và tái chế nguyên liệu sản xuất. Một bộ phim tạo dấu ấn bảo vệ môi trường của đạo diễn Jason Bateman tựa đề Bad Words là sản phẩm đầu tiên trong quá trình sản xuất sử dụng năng lượng mặt trời (ánh sáng, âm thanh, ghi hình dùng điện từ năng lượng mặt trời). Phim World Jurassic World 2018: Fallen Kingdom được quảng cáo là có quá trình quay thân thiện môi trường, với việc phân phối chai nước có thể tái sử dụng cho các diễn viên và bộ phận quay phim, sử dụng xe hybrid và sử dụng đèn LED 75%. The Amazing Spider-Man 2, từ năm 2014, đã được coi là một ví dụ thực tiễn về thân thiện môi trường với 52% chất thải tái chế.

Tin cùng chuyên mục