“Hồi sức” vận tải hành khách bằng xe buýt

Sau một năm đối mặt với rất nhiều khó khăn, ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ bước vào năm mới 2022 như thế nào? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM.
“Hồi sức” vận tải hành khách bằng xe buýt

Chỉ đạt ¼ kế hoạch

PHÓNG VIÊN: Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố đã trải qua năm 2021 ra sao, thưa ông? 

Ông VÕ KHÁNH HƯNG: Chưa bao giờ ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm phải ngưng hoạt động toàn bộ như năm 2021. 

Tổng cộng 3.682 chuyến xe thuộc 76 tuyến xe buýt có trợ giá phải cắt giảm suốt từ ngày 27-4 đến ngày 19-6. Thời gian này, thành phố phải tạm ngưng hoạt động 35 tuyến xe buýt có trợ giá khác. Nặng nề hơn, từ ngày 20-6 đến đầu tháng 10, toàn bộ hệ thống xe buýt thành phố buộc phải tạm ngưng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của xe buýt thành phố phải “đóng băng”  toàn bộ hoạt động như vậy. 

Từ đầu tháng 10, các tuyến xe buýt được mở lại dần dần theo tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Mãi tới trung tuần tháng 11, các luồng tuyến mới được mở lại rộng khắp. Nhưng xe buýt tái hoạt động là một chuyện, còn việc các chuyến xe buýt có đầy khách khi tái hoạt động hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Bởi trên thực tế, không hiếm những chuyến xe buýt mà số hành khách chỉ đếm trên đầu ngón tay, kể cả những thời điểm vốn là “giờ vàng” phục vụ của thời chưa có dịch. 

Do đó, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố năm 2021 ước chỉ đạt 159,6 triệu lượt hành khách, giảm gần 60% so với năm 2020 và chỉ đạt 1/4 kế hoạch năm 2021 (638,4 triệu lượt hành khách).

Trong tổng số lượt hành khách nói trên, những đối tượng nào đáng chú ý?

Trong tổng số 159,6 triệu lượt hành khách ước thực hiện được trong năm 2021, gồm hành khách trên các tuyến có trợ giá vận chuyển 41,5 triệu lượt; hành khách trên tuyến không trợ giá 3,3 triệu lượt; đưa rước học sinh có trợ giá lẫn không trợ giá đạt hơn 6 triệu lượt; đưa rước công nhân không trợ giá là 2,18 triệu lượt; taxi truyền thống đạt hơn 35,8 triệu lượt; xe hợp đồng điện tử gần 62,2 triệu lượt; hành khách đi ở các bến xe liên tỉnh gần 8,5 triệu lượt; thấp nhất trong số này là buýt đường sông với chỉ hơn 100.000 lượt hành khách.

Khó khăn trì trệ của xe buýt thành phố đã trở nên nghiêm trọng và kéo dài suốt 2/3 thời gian năm 2021 cũng như chưa biết sẽ còn tiếp tục bao lâu trong năm 2022.

Các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt hơn ai hết là người cảm nhận rõ nhất những hệ lụy: thất thu nghiêm trọng nhưng vẫn phải chi trả hàng loạt khoản như lãi vay ngân hàng, khấu hao phương tiện, tiền thuê mặt bằng lưu đậu phương tiện, bảo hiểm xã hội cho người lao động, lương cho đội ngũ lái xe và nhân viên. Chưa kể những chi phí phát sinh liên quan đến phòng chống dịch: mua sắm trang bị, dung dịch khử khuẩn phương tiện, sát trùng tay, khẩu trang y tế…

Phấn đấu bằng năm 2019

Với những khó khăn như vậy, ông dự báo hoạt động của xe buýt thành phố trong năm 2022 ra sao?

Cơ quan chức năng dự báo, năm 2022, ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn. Có nhiều nguyên nhân đưa đến dự báo này: do dịch vẫn chưa được khống chế hoàn toàn nên một bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý ngần ngại sử dụng xe buýt; tình trạng sử dụng phương tiện cá nhân tiếp tục gia tăng; hạ tầng giao thông chưa phát triển tương ứng với nhu cầu phát triển của thành phố; bất cập trong điều hành quản lý của bản thân doanh nghiệp vận tải…

Dù vậy, chỉ tiêu đề ra cho ngành GTVT là phấn đấu năm 2022, tổng khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt bằng năm 2019 - thời điểm chưa bùng dịch Covid -19, và đạt kế hoạch năm 2021 là 638,5 triệu lượt hành khách. Trong đó, khối lượng vận tải hành khách công cộng trên các tuyến buýt có trợ giá là 147 triệu lượt hành khách.

Làm thế nào để có thể đạt được chỉ tiêu ấy, thưa ông?

Vận tải bằng xe buýt phải cố gắng vượt khó. Một loạt giải pháp sẽ được thực hiện, trong đó tập trung hoàn thiện mạng lưới tuyến và nâng chất công tác điều hành. Cụ thể, Sở GTVT sẽ phối hợp với doanh nghiệp vận tải và đơn vị liên quan rà soát mạng lưới tuyến hiện hữu để điều chỉnh lộ trình, tăng giảm chuyến, thời gian phục vụ trên các tuyến buýt khoa học, phù hợp tình hình thực tế, không để trùng lắp cũng như tăng tính kết nối, mở rộng khả năng phục vụ người dân. Sở GTVT sẽ tập trung duy tu và phát triển hạ tầng ngành buýt, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý điều hành hoạt động ngành buýt; đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân đi xe buýt.

Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn trên các chuyến xe buýt, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai quy chế phối hợp đã ký kết với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, doanh nghiệp vận tải buýt. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và đem lại sự an tâm cho hành khách đã chọn xe buýt thành phố.

Tin cùng chuyên mục