“Hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ

Công trình âu thuyền Tắc Thủ (tỉnh Cà Mau) từng nhận được sự kỳ vọng rất lớn trong việc kiểm soát ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công trình này gây lãng phí nghiêm trọng. Sau khi cống Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) được đầu tư và vận hành hiệu quả, Bộ NN-PTNT đang “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ.
Bộ NN-PTNT đang “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ
Bộ NN-PTNT đang “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ

Lãng phí tiền tỷ

Công trình âu thuyền Tắc Thủ tọa lạc ngã ba sông Ông Đốc và sông Trẹm thuộc xã Khánh An (huyện U Minh), xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) được Bộ GTVT đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2006, kinh phí xây dựng khoảng 80 tỷ đồng. Thời điểm ấy, âu thuyền Tắc Thủ được xem là công trình thủy lợi quy mô lớn nằm trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, do hệ thống công trình kiểm soát mặn ven biển Tây, âu thuyền Ninh Quới... chưa được đầu tư đồng bộ nên âu thuyền Tắc Thủ đã không được vận hành, khai thác như mục tiêu, gây bức xúc cho người dân.

Hiện khu vực công trình bị hoang hóa, cây cỏ mọc um tùm. Vì không được vận hành và bảo trì nên hiện tại cửa âu thuyền bị hư hỏng hoàn toàn; các hạng mục khác cũng xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng… Theo người dân địa phương, công trình nằm trên tuyến giao thông thủy chính của Cà Mau đi các địa phương lân cận. Do lòng dẫn âu thuyền hẹp (14m) nên khi ghe tàu qua lại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Nghiêm (tài công sà lan của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP Cà Mau) cho biết: “Tôi thường lái sà lan qua khu vực này, cũng có lần va chạm cửa âu thuyền. Nguyên nhân là chiều ngang âu thuyền nhỏ và cạn nên sà lan có trọng tải lớn gặp nhiều khó khăn khi qua đây, nhất là khi thủy triều thấp”.

Cần xây dựng đồng bộ 

Thời gian qua, vùng bán đảo Cà Mau tuy được đầu tư các công trình thủy lợi nhưng chưa đồng bộ khi chủ yếu khép kín các tiểu vùng nhỏ. Do hệ thống thủy lợi của vùng hiện chưa được hoàn thiện nên chưa kiểm soát được mặn, thiếu sự duy trì và điều tiết nguồn ngọt... Chính vì vậy, hàng năm tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho lúa vụ, nhất là lúa tôm, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân ở khu vực.

Hiện nay, một số hệ thống công trình thủy lợi như Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1, tỉnh Kiên Giang), âu thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu) đã được đầu tư đưa vào vận hành hiệu quả nên Bộ NN-PTNT đang thực hiện “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ.

Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, nếu được “hồi sinh”, âu thuyền Tắc Thủ sẽ cùng cống Cái Lớn - Cái Bé, các cống ven biển An Biên - An Minh và hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía Nam sông Cái Lớn, vùng Bắc Cà Mau. Theo đó, giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hàng năm để phục vụ sản xuất khoảng 75.000ha huyện U Minh, Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Hỗ trợ cấp nước có độ mặn thấp, phục vụ nuôi trồng thủy sản trong mùa khô với diện tích khoảng 120.000ha huyện Thới Bình, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), huyện Phước Long, thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập cho khu vực.

Xung quanh việc Bộ NN-PTNT “hồi sinh” âu thuyền Tắc Thủ, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, địa phương rất ủng hộ. Tuy nhiên, muốn “hồi sinh” thành công, các công trình thủy lợi trong vùng phải được xây dựng đồng bộ và vận hành nhịp nhàng. Mô hình sản xuất lúa tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, hiệu quả cao, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa tôm thời gian qua chưa bền vững vì hay thiếu nước ngọt vào thời điểm cuối vụ. Vì vậy, nếu kiểm soát mặn ngọt hiệu quả, sẽ giúp vùng sản xuất lúa tôm Bắc Cà Mau ổn định và hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể cấp nước ngọt bổ sung vào mùa khô cho hệ thống thủy lợi tiểu vùng 2 và 3.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây của Bộ NN-PTNT, quy mô gồm: mở rộng cống, sửa chữa âu thuyền cũ và xây mới một âu thuyền; cụm công trình từ âu thuyền Tắc Thủ đến cống Cà Mau. Mục tiêu là cùng với cống Cái Lớn - Cái Bé chủ động kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước cho vùng phía Nam sông Cái Lớn, vùng Bắc Cà Mau. Thời gian thực hiện dự án là 4 năm từ ngày khởi công. Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 715 tỷ đồng.

Bộ GTVT đang thực hiện quy trình bàn giao âu thuyền Tắc Thủ về Bộ NN-PTNT để thực hiện dự án theo quy định.

Tin cùng chuyên mục