Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12: Tìm giải pháp thoát dịch

Ngày 26-10, Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 khai mạc tại Berlin (Đức) theo hình thức trực tuyến với chủ đề trọng tâm là các biện pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi đại dịch Covid-19. 
Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 diễn ra theo hình thức trực tuyến

Chủ nghĩa dân tộc chỉ kéo dài đại dịch

Phát biểu khai mạc tại hội nghị có sự tham gia của 300 đại biểu gồm các chính trị gia hàng đầu thế giới, các nhà khoa học cùng đại diện các tổ chức quốc tế, Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống lại Covid-19. Ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, không ai an toàn trước Covid-19 cho tới khi tất cả đều an toàn trước đại dịch, kêu gọi thế giới vượt qua đại dịch bằng tinh thần hợp tác. Ông kêu gọi ủng hộ sáng kiến Cơ chế tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX), đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ tham gia sáng kiến này. 

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch và là người sáng lập Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới Detlev Ganten nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa chính trị, khoa học, kinh tế và xã hội xuyên biên giới, trong đó sự hợp tác và đoàn kết quốc tế là vấn đề quan trọng nhất. Theo ông Detlev Ganten, đại dịch Covid-19 chỉ có thể có được giải pháp nếu vượt qua các lợi ích cá nhân, lợi ích thể chế và lợi ích quốc gia.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc các quốc gia muốn bảo vệ công dân nước mình trước tiên là điều hiển nhiên nhưng khi thế giới có vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả thì phải được sử dụng một cách hiệu quả. Và cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả là việc chủng ngừa tại tất cả các nước hơn là cho tất cả mọi người tại một số nước. Ông Ghebreyesus cảnh báo: “Chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ chỉ kéo dài đại dịch Covid-19”.

Tranh luận về giá thuốc 

Theo Financial Times, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 gây ra cuộc tranh luận xung quanh việc vaccine sẽ có giá bao nhiêu cũng như ai sẽ trả tiền cho việc này. Hiện mức giá dao động cho các loại vaccine tiềm năng nằm trong khoảng 3 USD đến hơn 30 USD/liều và những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng đang kêu gọi nên đưa ra một mức giá trần cho các nước nghèo. 

Một số vaccine “ứng cử viên” đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó 10 loại đang thử nghiệm ở giai đoạn 3 với sự tham gia của hàng chục ngàn tình nguyện viên. Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh, Nhật Bản và một số nước khác đã đặt mua lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược phẩm phát triển các vaccine tiềm năng nhất. Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại rằng những quốc gia với khả năng tài chính hạn chế có nguy cơ bị thụt lùi phía sau trong việc mua vaccine ngừa Covid-19 trong khi số ca bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Theo trang mạng worldometer.info, tính đến ngày 26-10, tổng số ca mắc Covid-19 từ đầu dịch tới nay đã vượt 43,38 triệu ca, trong đó trên 1,15 triệu ca tử vong.

Giáo sư virus học Viktor Zuev tại Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Nga) nhận định, tình hình lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể ổn định vào mùa hè tới. Ông Viktor Zuev giải thích, các virus nhiệt đới gây bệnh viêm phổi, bao gồm SARS-CoV-2, rất “sợ” nhiệt. Việc siết chặt quy định đeo khẩu trang và tiêm chủng sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ông Zuev lưu ý, hiện nay số lượng bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả những người không có triệu chứng, đang dần tăng lên và nhấn mạnh: “Đây là những đóng góp vào cái gọi là lớp miễn dịch... Lớp miễn dịch phải đạt tới 60% để tạo ra tình huống ngõ cụt cho virus”.

Tin cùng chuyên mục