Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết. 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì họp báo
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì họp báo

Chiều 23-11, tại cuộc họp báo về Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hội nghị sẽ diễn ra ngày 26-11-2020 tại thành phố Cần Thơ. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, đại diện các sở, ban ngành của các các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

“Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Hiện nay 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã có nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Vì vậy, việc lấy ý kiến về Quy hoạch vùng cũng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai lập đồng thời.

Tính đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế. 

ĐBSCL là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê Công, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km² (chiếm 12% diện tích cả nước). Tuy là một trong số các đồng bằng trù phú nhưng có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục