“Hội nghị Diên Hồng” của Thủ tướng với doanh nghiệp sau dịch Covid-19

“Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%”, Thủ tướng nói.

Sáng nay 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp. Đây được đánh giá là "Hội nghị Diên Hồng" trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (DN) được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ với mục đích lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Nhờ vậy, khoảng 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi hội nghị.

“Hội nghị Diên Hồng” của Thủ tướng với doanh nghiệp sau dịch Covid-19 ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sáng 9-5-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) đã trình bày báo cáo về tác động của dịch Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của DN, hiệp hội; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của DN đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ DN.

Hội nghị là cơ hội để cộng đồng DN, hiệp hội, chuyên gia nêu các kiến nghị với Chính phủ, địa phương cũng như nghe các các bộ ngành, địa phương trả lời các kiến nghị, vướng mắc của DN.

Theo VCCI, sau hội nghị Thủ tướng với DN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của DN do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị DN của các bộ ngành đã đạt khoảng 80%.

Lúc này không phải là lúc các doanh nghiệp bàn lùi, than nghèo, kể khổ!

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại các thời khắc hào hùng vào thời điểm tháng 5 trong quá khứ như: Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5)… và nhấn mạnh lúc này cũng là thời khắc mang tính bước ngoặt của lịch sử.

Thủ tướng nhắc đến sự nghiêm trọng của dịch Covid-19 và cho rằng đại dịch đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của hàng tỷ người trên hành tinh này. Gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh cách ly, giãn cách. Đại dịch cũng đã gây một tác động khủng khiếp đến kinh tế toàn thế giới, ở tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng cho rằng, kinh tế nhiều nước trong quý 1 -2020 đã rơi vào suy thoái. Dự báo kinh tế thế giới còn khó khăn hơn so với khủng hoảng kinh tế 2008; kinh tế thế giới được dự  báo tăng trưởng -3% trong năm nay. Mỹ tăng trưởng âm còn Trung Quốc đã thấp kỷ lục sau 3 thập kỷ. Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN năm nay sẽ là -0,6%. Tuy nhiên, Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN.

Nhiều cường quốc kinh tế dự báo tăng trưởng thấp. Khủng hoảng y tế tác động đến mọi mặt kinh tế, từ cung - cầu, sản xuất - tiêu dùng, nội thương -ngoại thương, hàng không - du lịch, sản xuất thâm dụng công nghệ đến thâm dụng lao động, dầu mỏ đến ô tô, nước phát triển - nước đang phát triển, doanh nghiệp quy mô nhỏ - quy mô lớn…

Nhưng như quy luật sinh tồn, trải qua bao biến cố, nhân loại vẫn sống sót, chiến thắng qua những đại nạn, bởi như cha đẻ của Thuyết tiến hóa Darwin đã nói: "Không phải loại mạnh nhất sẽ sống sót mà loại thích ứng tốt nhất sẽ tồn tại".

“Hội nghị Diên Hồng” của Thủ tướng với doanh nghiệp sau dịch Covid-19 ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến, sáng 9-5-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN. Việt Nam đang theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế, đi kèm cải cách và cơ cấu, để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên khi dịch được kiểm soát tốt. Đến nay Việt Nam cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19 là một điều quan trọng. Việt Nam đã tích lũy được nguồn lực sau những năm tăng trưởng gần đây, điều này có nghĩa là Việt Nam không quá phụ thuộc vào bên ngoài, nội lực vẫn rất lớn. Nhiều tín hiệu thị trường đang rất triển vọng như trái phiếu, chứng khoán….

Thủ tướng cho rằng, đi qua biến cố của dịch Covid-19, nhiều DN đã duy trì hoạt động của mình, đó là sự kiên cường đáng tôn vinh. Bên cạnh đó, không ít DN gặp nhiều khó khăn, phải dừng hoạt động. Thủ tướng mong muốn không vì dịch bệnh Covid-19, khó khăn hiện tại mà các DN nản chí, sợ hãi, thay vì đó, cần cố gắng, vượt lên chính mình để đạt được thành công.

Thủ tướng cho biết, ngày 8-5 Thủ tướng vừa làm việc với TPHCM, trong số 270.000 doanh nghiệp của TPHCM, chỉ có 3% DN rời thị trường, 97% DN đang chờ cầu để hoạt động trở lại. TPHCM quý 1 tăng trưởng 1,03% chứ không phải 0,42% như số liệu trước đây; Hà Nội tăng trưởng trên 3%; Hải Phòng 14.9%...

“Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, lúc này, các DN không bàn lùi, than nghèo, kể khổ; Chính phủ không thể giúp DN tăng lợi nhuận, chỉ có thể giúp DN tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận.

5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Tăng cường xuất khẩu; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho DN. Theo Thủ tướng, sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho DN, nếu không nắm bắt được cơ hội, DN nước ngoài sẽ đến lấy.

Thủ tướng cũng chia sẻ trăn trở Việt Nam chưa có DN lọt vào top 500 thế giới. “25 năm nữa là có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam hay không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba… Không gì là không thể, DN không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực”, Thủ tướng kỳ vọng.

45% doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh 
 Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho thấy, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%; GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như Mỹ - 5,9%, Anh - 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu - 7,5% .
Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”, tăng trưởng GDP quý 1-2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Lực lượng DN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các DN phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị, sáng 9-5-2020. Ảnh VIẾT CHUNG
Cuối tháng 4, Bộ KH-ĐT tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 DN. Theo đó, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.
Các số liệu về tình hình đăng ký DN trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019).
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, các chính sách vừa qua của Chính phủ đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà DN phải gánh chịu. 88% DN được khảo sát nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 11 là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng DN kỳ vọng vào những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước, để đồng hành cùng DN chớp lấy cơ hội trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta.
Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của DN là Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.
Hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. 
Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.
“Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực

Bộ KH-ĐT đề xuất cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các DN chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các DN dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Bộ này cho rằng cần phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa. Thúc đẩy đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch; xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ.

Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển. Các bộ ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của DN thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu.

Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế

Báo cáo của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.

Một lần nữa, sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các DN Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Nhiều DN, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các DN, doanh nhân – những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng các tấm gương DN, doanh nhân đã dũng cảm, kiên cường vượt qua đại dịch.

“Hội nghị Diên Hồng” của Thủ tướng với doanh nghiệp sau dịch Covid-19 ảnh 4 Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI  phát biểu tại hội nghị, sáng 9-5-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch VCCI cho rằng, tình hình DN đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ DN, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng DN.

Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...

“Nhưng điều quan trọng nhất, DN kiến nghị là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Về lâu dài, Chủ tịch VCCI cho rằng đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 – nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN. Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu này và coi đó là thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương...

“Biết nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các bộ ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ đô la Mỹ. Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay thì ta đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế. Phát huy vai trò của thể chế, bảo đảm huy động được tổng lực các nguồn vốn xã hội theo cách này thì không khó để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay.

Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ giao các bộ ngành phối hợp với VCCI, các địa phương và cộng đồng DN triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình.

Đề nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, giúp các DN đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp triển khai thực hiện các yêu cầu quốc tế hoá và số hoá, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo song hành với cộng đồng DN sáng tạo và có trách nhiệm xã hội sẽ là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam vào thời điểm này vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ. VCCI đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho DN Việt.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế, Thủ tướng giữ vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban chỉ đạo; thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.

Báo SGGPO sẽ tiếp tục thông tin về hội nghị này.

Tin cùng chuyên mục