Hội nghị COP26: Cơ may cuối cùng và tốt nhất

Ngày 1-11, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), đại diện của gần 200 quốc gia đã bước vào các phiên thảo luận nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015 và tìm ra cách thức để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị COP26, Chủ tịch Hội nghị Alok Sharma nhấn mạnh, các tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, dưới nhiều hình thức như lũ lụt, bão, cháy rừng và các mức nhiệt độ kỷ lục. Các chuyên gia cảnh báo, chỉ có hành động một cách mạnh mẽ trong 10 năm tới mới giúp giảm các tác động ngày càng thảm khốc của biến đổi khí hậu. COP26 diễn ra sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome cũng đã đạt được quyết định lịch sử “loại bỏ than đá và ngừng cấp vốn cho các nhà máy than trong năm 2021”. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo và các tổ chức và nhà hoạt động cho rằng cần gia tăng các nỗ lực để đảm bảo thành công của COP26.

Theo truyền thông Anh, Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ cam kết chi thêm 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho các nước phát triển vào năm 2025 nếu nền kinh tế Anh tăng trưởng như dự báo. Khi đó, tổng cam kết hỗ trợ tài chính của Anh cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sẽ tăng từ 11,6 tỷ bảng Anh lên 12,6 tỷ bảng Anh vào năm 2025. 

Với tư cách là nước chủ nhà COP26, Anh đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán các cam kết về cắt giảm khí thải của gần 200 quốc gia với hy vọng đạt được một thỏa thuận vào ngày 12-11. Tại hội nghị, Thủ tướng Johnson dự kiến cũng sẽ yêu cầu các quốc gia cam kết về việc loại bỏ than đá, chuyển sang xe điện, chấm dứt nạn phá rừng và cam kết tài chính để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. COP26 có nguy cơ thất bại bởi các quốc gia vẫn cam kết chưa đủ để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 1,5oC. Đến nay mới chỉ có 12 quốc gia cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 “vào hoặc khoảng năm 2050” trong khi một số quốc gia chủ chốt như Trung Quốc và Saudi Arabia chỉ chính thức cam kết đạt được mục tiêu đó vào năm 2060.

Tin cùng chuyên mục