Hội nghị Cấp cao ASEAN: Mở lại nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 12-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị liên quan như Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), hội nghị cấp cao ASEAN với Ấn Độ và với Australia...

Tự do hóa thương mại 

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, các lãnh đạo ASEAN và đối tác đã nhấn mạnh các nước cần đề cao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích chung trong nỗ lực duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN+3 cần đi đầu, kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi lĩnh vực. 
Hội nghị Cấp cao ASEAN: Mở lại nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu ảnh 2 Trưởng đoàn các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Định hướng hợp tác ASEAN+3 thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý khởi động kế hoạch công tác 2023-2027 theo 3 trụ cột một cách thiết thực, hiệu quả; nhấn mạnh nối lại giao thương an toàn, mở lại nền kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu. Về phía Việt Nam, Thủ tướng cam kết làm hết sức mình để các nước ASEAN+3 được ổn định, hòa bình và thịnh vượng; đề nghị các nước ASEAN+3 tiếp tục phát huy tinh thần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, láng giềng hữu nghị, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần tạo dựng cạnh tranh lành mạnh, dựa trên luật lệ, giảm thiểu mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột.


Thông qua các tuyên bố với nhiều đối tác 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hoa Kỳ lần thứ 10, các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với cấu trúc khu vực cởi mở, minh bạch, bền vững, bao trùm và lấy ASEAN làm trung tâm, nằm giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc chung, các giá trị và chuẩn mực chung nêu trong Hiến chương Liên hiệp quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về Vùng Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982…

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hoan nghênh việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, nhấn mạnh khuôn khổ đối tác vừa được nâng cấp là bước đi “nhằm giải quyết các vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta”, giúp xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ổn định, thịnh vượng,  an ninh và bền vững”. Ông Joe Biden một lần nữa khẳng định khu vực Đông Nam Á là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính phủ Hoa Kỳ và Washington cam kết hợp tác mọi nguồn lực trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.  

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hai bên (1992-2022), các lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực quan trọng cho hợp tác hai bên ngày càng mở rộng và phát triển năng động. 

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia, các lãnh đạo hai bên đã thông qua Tuyên bố Hợp tác trên cơ sở Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Để quan hệ ASEAN - Australia phát triển tương xứng tầm mức Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, sớm khôi phục hoàn toàn và đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, trong đó thúc đẩy nhanh hơn nữa nâng cấp Hiệp định AANZFTA. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các nhà lãnh đạo đến từ ASEAN cũng cam kết làm sâu sắc các mối quan hệ hợp tác, đồng thời nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo vào khoảng tháng 12-2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ. 

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trước đó ngày 11-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres.

Tin cùng chuyên mục