Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN: Tiếp cận đa phương các vấn đề trên biển

Theo giới phân tích, sự lo ngại về các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông sẽ là một trong những chủ đề nóng ở Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Hẹp và Mở rộng (ADMM - ADMM+) lần thứ 6 tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 16 đến 19-11.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hội đàm với người đồng cấp Thái Lan Prawit Wongsuwan tại Bangkok, Thái Lan hồi tháng 7-2019
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hội đàm với người đồng cấp Thái Lan Prawit Wongsuwan tại Bangkok, Thái Lan hồi tháng 7-2019

Chú trọng an ninh bền vững

Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, sáng 16-11, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Hẹp (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Đáng chú ý, Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Thái Lan sau khi kết thúc Hội nghị ADMM+ lần thứ 6.

Việc tham gia các hội nghị của đoàn đại biểu quân sự cấp cao thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+, tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Hội nghị ADMM+ sẽ có sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN và 8 đối tác toàn cầu, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Hội nghị ADMM+ cũng có sự tham gia của các nhóm chuyên gia tập trung vào các lĩnh vực khác nhau như chống khủng bố, hoạt động gìn giữ an ninh hàng hải, nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Malaysia, nhận định: Mặc dù Thái Lan chọn “An ninh bền vững” là chủ đề của ADMM năm nay, song biển Đông vẫn là vấn đề thu hút sự chú ý hàng đầu. 

Chiều cùng ngày, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã có các cuộc gặp với Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto. Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan khẳng định Thái Lan sẽ tham gia tích cực và ủng hộ Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng, quân sự trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Hai bên thống nhất việc duy trì vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực, trong đó có ADMM+, là hết sức quan trọng… Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto khẳng định Indonesia ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Duy trì hòa bình trên biển

Cùng ngày, tại Đại học York ở thành phố Toronto, Canada, hội thảo “Duy trì hòa bình ở khu vực biên giới trên biển” diễn ra, đem đến cho giới chức và các học giả cơ hội thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh, quy tắc quản lý và các chính sách trong tương lai trên biển. Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương đối với thế giới, cùng các mối đe dọa tại khu vực biên giới ở các vùng biển này; triển vọng của ASEAN và Indonesia tại Ấn Độ - Thái Bình Dương; duy trì hòa bình và phát triển tại Ấn Độ - Thái Bình Dương…

GS Julie Nguyen, Trường Centennial, Giám đốc Hiệp hội Canada - Việt Nam tại Toronto, cho biết, Hiệp hội Canada - Việt Nam muốn thông tin đến bạn bè Canada về các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam, về mong muốn giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước, đồng thời cũng để nâng cao tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân Việt Nam, dù sinh sống ở nơi đâu.

Ông Adam P. MacDonald, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về an ninh và phát triển tại Đại học Dalhousie, nhận định, trong bối cảnh những tranh chấp ở khu vực biển Đông khá phức tạp, việc theo đuổi một cách tiếp cận đa phương để đạt được một thỏa thuận toàn diện là giải pháp hợp lý mà các bên nên kiên trì theo đuổi.

Tin cùng chuyên mục