Hội khuyến học đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta

Khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (năm 1996), cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tổ chức hội. Đến nay, sau 25 năm hoạt động, tổ chức hội đã phủ kín 100% địa bàn cấp tỉnh và huyện, trên 98% cấp xã. Số hội viên tăng lên hơn 21 triệu người, chiếm hơn 21% dân số của cả nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Ngày 1-12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996-2021). Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ngành, tổ chức xã hội và 457 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 21 triệu hội viên của toàn hội trên cả nước. Đại hội VI đánh dấu đoạn đường 1/4 thế kỷ đã đi qua của Hội Khuyến học Việt Nam với nhiều thành tựu.

Khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (năm 1996), cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tổ chức hội. Đến nay, sau 25 năm hoạt động, tổ chức hội đã phủ kín 100% địa bàn cấp tỉnh và huyện, trên 98% cấp xã. Số hội viên tăng lên hơn 21 triệu người, chiếm hơn 21% dân số của cả nước, bình quân mỗi năm tăng hơn 850.000 hội viên, tăng hơn 210 lần so với ngày đầu thành lập.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ V, GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhưng, nhìn lại 5 năm qua, có thể đánh giá tổng quát sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã vượt nhiều khó khăn, đạt thành tựu đáng nể. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã ăn sâu, bắt rễ vào từng cộng đồng dân cư trong khắp cả nước. Nhân dân trong từng thôn bản, tổ dân phố đều tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, phấn khởi tiếp nhận và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, xã hội học tập đang từng bước được định hình rõ nét thông qua việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã và bước đầu hình thành các mô hình học tập cấp huyện và cấp tỉnh…

Hội khuyến học đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta ảnh 1 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

Trong giai đoạn 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ hội viên đạt 25% so với dân số của cả nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Song song đó, đẩy mạnh phát triển quỹ khuyến học nhằm tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn; tặng học bổng, phần thưởng cho học sinh, người lao động có thành tích tốt nhằm góp phần động viên, khuyến khích việc học tập. Cũng trong giai đoạn này, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu cụ thể như: 50% số người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 70% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 65% số dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”..

Tại buổi lễ, trình bày diễn văn kễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học đã lớn mạnh cả về chất và về lượng. Tổ chức hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn bản, tổ dân phố. Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc ta, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "học không bao giờ cùng" như một triết lý của sự học hành, coi việc học như một quyển sách không có trang cuối cùng, càng đọc càng thấy tri thức như một biển cả không bờ bến, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm".

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định, sự đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội khuyến học Việt Nam trong 1/4 thế kỷ qua là đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung, đặc biệt là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời: vì mục tiêu xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận nền kinh tế tri thức. Hội hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài để tạo điều kiện cho mọi người có năng lực làm chủ tri thức, coi sự giàu có tri thức là yếu tố quyết định để con người phát triển bền vững, tạo nên sự giàu có về thu nhập và phát triển đời sống văn hóa phong phú của chính mình.
* Cũng tại đại hội, GS-TS Nguyễn Thị Doan đã được bầu và tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026. Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 94 thành viên. Các lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025 gồm:

1. Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

2. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

3. Bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

4. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

5. Bà Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, phụ trách phía Nam.

6. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

7. Bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

Đại hội cũng đã đề ra mục tiêu nhiệm kỳ VI (2021 - 2026) là: hình thành và phát triển phương thức học tập suốt đời có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên theo hướng kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến, học ở trường lớp, tại nơi làm việc, tại nhà trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt; xây dựng và thực hiện mô hình công dân học tập với những năng lực cốt lõi và phẩm chất để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số; thực hiện tốt các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập theo tiêu chí mới...

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: các hoạt động khuyến học đã góp phần quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn những cố gắng của các hội viên hội khuyến học cả nước,

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong hình hình dịch bệnh phức tạp, càng thấy rõ tầm quan trọng của tri thức và vai trò của việc duy trì việc học tập trong nhà trường và việc học tập thường xuyên của người lớn. Những tác động của dịch Covid-19 và cuộc cách mạng 4.0 đã gợi mở về khả năng thích ứng của mọi người trong học tập. Do đó, trong giai đoạn 2021-2026, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đưa ra nhiều mô hình mới, nhiều cách làm hay, trong đó có việc đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập…

Nhân dịp này, Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc cho 24 tập thể hội khuyến học các tỉnh, thành phố; tặng bằng khen cho 18 hội khuyến học các tỉnh, thành phố và tặng bảng vàng ghi danh cho 14 hội viên có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học.

Tin cùng chuyên mục