Hội đồng y khoa quốc gia khó đảm đương xuể việc cấp phép hành nghề trên toàn quốc

Bên cạnh Hội đồng y khoa quốc gia, còn có rất nhiều hội chuyên ngành khác, tập hợp những nhân lực có chuyên môn sâu, có thể đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực hành nghề y khoa. 

Sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 10, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật là quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu viên ngoại viện. Các đối tượng là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.

Dự thảo Luật cũng quy định, nếu trong 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Trong trường hợp nếu không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới 

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) Lê Tấn Tới cho biết, ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, ông vẫn còn băn khoăn về điều kiện ngôn ngữ của người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam (sử dụng thành thạo tiếng Việt).

“Chính sách của ta là mở cửa hội nhập, ta rất cần tiếp cận công nghệ và nhân lực y học tiên tiến, không nên dựng rào cản ngôn ngữ mà thay vào đó nên quản lý về chuyên môn và chất lượng phiên dịch”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói.

Cũng theo ông Lê Tấn Tới, giấy phép hành nghề của cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nên có thời hạn trong 5 năm hoặc 7 năm.

Tính khả thi của việc giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia cấp giấy phép hành nghề cho toàn bộ đội ngũ y bác sĩ… được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường bày tỏ quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn về việc đánh giá năng lực của lương y, người có bài thuốc gia truyền
“Việc kiểm tra thực hành cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo kết quả đánh giá năng lực hành nghề chính xác. Tôi cũng băn khoăn về việc đánh giá năng lực của lương y, người có bài thuốc gia truyền”, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nêu rõ.
Theo ông, với nhân lực mỏng, chỉ có một Chủ tịch Hội đồng chuyên trách, Hội đồng Y khoa quốc gia khó có thể đảm đương việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề cho khoảng 30.000 người trong diện cần cấp phép.
Lưu ý đội ngũ với y bác sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cũng nêu vấn đề, khi hết tuổi phục vụ trong lực lượng vũ trang, khi họ ra ngoài thì có được cấp phép để tiếp tục làm nghề hay không, nếu không sẽ rất lãng phí chuyên môn…

Chia sẻ nhiều quan điểm của Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, bên cạnh Hội đồng y khoa quốc gia, còn có rất nhiều hội chuyên ngành khác, tập hợp những nhân lực có chuyên môn sâu, có thể đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực hành nghề y khoa. 

Trên cơ sở phân tích đặc thù của y tế nhà nước và tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã góp ý nhiều nội dung cụ thể về khuyến khích phát triển các loại hình khám chữa bệnh đa dạng, trong đó có khám chữa bệnh theo nhu cầu, để tránh việc người dân phải ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí rất lớn.

“Định giá dịch vụ khám chữa bệnh cho cả y tế công lập và ngoài công lập thì có phù hợp không, vì công lập thì được nhà nước đầu tư ban đầu, trong khi tư nhân phải bỏ tiền đầu tư tất cả”, người đứng đầu Quốc hội đặt câu hỏi. 

Tin cùng chuyên mục