Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội

Tại sao nghỉ hưu trước năm 1995 lại có lương hưu thấp? Tôi công tác từ năm 14 tuổi, nhưng không được công nhận. Tôi chỉ được công nhận từ giai đoạn tiền khởi nghĩa và đến bây giờ được 70 năm tuổi Đảng. Trước đó, tôi làm Phó giám đốc Công ty May Việt Tiến. Thế mà đồng lương khi về hưu lúc 58 tuổi chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng. Đến bây giờ 90 tuổi, lương hưu của tôi chưa bằng công nhân học việc. Tôi đề nghị xem lại lương hưu của tôi, tại sao quá thấp như vậy? (TRẦN THỊ XUÂN LAN, quận 3, TPHCM).

Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Qua kiểm tra hồ sơ và quá trình điều chỉnh lương hưu theo quy định của Chính phủ thì lương hưu bà nhận hiện nay 6.406.700 đồng/tháng. Hiện nay, việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có quan tâm đến đời sống của những người nghỉ hưu, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995, nhưng nhìn chung mức lương hưu vẫn thấp hơn so với những người nghỉ hưu sau này. 

BHXH TPHCM cũng đã có kiến nghị về việc cần điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995 để bảo đảm cuộc sống, tuy nhiên đến nay việc điều chỉnh vẫn chưa được như mong muốn của người hưởng. BHXH TPHCM xin ghi nhận ý kiến của bà để tiếp tục có kiến nghị với cơ quan thẩm quyền có chính sách điều chỉnh lương hưu phù hợp cho những người nghỉ hưu trước năm 1995.

Bà Phạm Thị Ngọc Trâm có thời gian công tác là 32 năm (1952-1984). Trong năm 1984, bà Trâm bị buộc thôi việc và đến năm 2001, bà được cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh) thay đổi kỷ luật từ buộc thôi việc thành nghỉ thôi việc từ ngày 1-7-1984. Như vậy, thời gian công tác trước ngày 1-7-1984 của bà Trâm có được hưởng chế độ BHXH (hưu trí) hay không? (Bạn đọc có email vinhphuc1953@gmail.com)

Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, người lao động làm việc trong khu vực nhà nước có thời gian công tác gián đoạn, hoặc đã nghỉ việc trước ngày 1-1-1995, thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1-1-1995 để hưởng BHXH.

Theo Công văn số 2478 ngày 15-9-1988 của Bộ LĐTB-XH về việc hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH: Công nhân viên chức vi phạm kỷ luật, nếu cơ quan xí nghiệp buộc thôi việc nay được xem xét lại, đã được xóa hoặc hạ mức kỷ luật, nhưng do cơ quan xí nghiệp đã giải thể, không thể bố trí trở lại làm việc và bản thân đương sự ốm đau, già yếu, thì phải do cấp trên của cơ quan, xí nghiệp đó đề nghị, được UBND tỉnh, thành phố, Bộ LĐTB-XH chấp thuận, khi đó mới cho tính thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH. Việc làm các thủ tục để các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cho công nhân viên chức bị kỷ luật được hưởng các quyền lợi về BHXH là trách nhiệm của cơ quan cũ của đương sự.

Trường hợp bà Trâm, việc xem xét tính thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH (hưu trí) của bà Trâm phải do cơ quan cũ của bà Trâm trình UBND tỉnh có văn bản xác nhận việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần (kèm bản sao hồ sơ gốc), gửi Bộ LĐTB-XH để được xem xét, quyết định.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 141185, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục