Hội chợ Giống nông nghiệp lần 5 - hiệu quả, thiết thực

Hôm nay, 26-6, Hội chợ - Triển lãm Giống nông nghiệp lần thứ 5 của TPHCM khép lại sau nhiều hoạt động thiết thực. 
Tại hội chợ, bà con nông dân đã có dịp tiếp cận các giống cây con (kể cả thủy sản), những thành tựu và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp mà các đơn vị mang đến trưng bày.    
Hội chợ Giống nông nghiệp lần 5 - hiệu quả, thiết thực ảnh 1 Một góc Hội chợ - Triển lãm Giống nông nghiệp TPHCM lần thứ 5. Ảnh: PHIÊU NHIÊN
 Nhiều hoạt động đa dạng 
Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Trưởng ban tổ chức, cho biết hội chợ diễn ra trong 5 ngày (từ 22 đến 26-6) tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (quận 12), với 350 gian hàng, nhằm giới thiệu và cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao cho nông dân ở ngoại thành và khu vực. Hội chợ có 7 khu vực: Khu thành tựu nông nghiệp TP và cá cảnh, khu hoa kiểng - bonsai, khu rau - củ - quả VietGAP, khu giống cây trồng và vật nuôi, khu vật tư nông nghiệp - doanh nghiệp, khu gian hàng ẩm thực và khu gian hàng tự dựng. Ngoài ra, còn có khu ngôi nhà chung nông nghiệp TPHCM, trưng bày, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và các thành tựu nông nghiệp TP thời gian qua. 
Trong khuôn khổ hội chợ - triển lãm, ban tổ chức tiến hành nhiều hoạt động đa dạng như hội nghị xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu sản xuất giống. Tổng Công ty TNHH MTV Sài Gòn (SAGRI), Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học TP đã giới thiệu các thành quả từ nghiên cứu, lai tạo, qua đó ký kết nhiều hợp đồng chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học, các quy trình cho các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngoài ra, còn có buổi tọa đàm về bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhằm giúp các đơn vị, cá nhân kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp có thêm kiến thức về luật cũng như cách thức đăng ký bảo hộ bản quyền các giống cây trồng, vật nuôi mới trong quá trình lai tạo; tọa đàm về định hướng và giải pháp cải thiện di truyền giống heo trên địa bàn TP, qua đó xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng và sự an toàn nhằm tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm. Bên cạnh đó là hội thi hoa lan, bonsai, thu hút nhiều nghệ nhân ở TPHCM và các tỉnh với 400 mẫu lan và 120 mẫu bonsai.
Triển lãm cá cảnh là một trong những hoạt động đặc sắc được sự chú ý của nhiều người tham quan tại ngôi nhà chung nông nghiệp TP, các đơn vị trưng bày các giống cá mới, mô hình sản xuất cá cảnh theo xu hướng an toàn dịch bệnh. Qua đó thể hiện vai trò của TPHCM - nơi cung cấp giống và là thị trường tiêu thụ, đầu mối xuất khẩu cá cảnh cho khu vực. 
Chuyển giao mô hình, quan tâm thị trường 
Ngành nông nghiệp TP đã có sự chuyển đổi cơ cấu và phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, với kết quả tích cực cả về năng suất, chất lượng, đặc biệt giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp lên đến 410 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng 4 lần so với bình quân cả nước. Thành tựu có được ngày hôm nay là kết quả quá trình đầu tư của TPHCM hơn 10 năm trước, khi thực hiện song song việc tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp với xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao (trên 80ha) và Trung tâm Công nghệ sinh học (23ha). 
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), liên tiếp lần thứ 5 ngành nông nghiệp TP tổ chức hội chợ - triển lãm giống nông nghiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của TPHCM, đi đầu trong sưu tầm, chọn lọc, lai tạo và sản xuất, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho khu vực. Đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại và nông dân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất và tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đánh giá cao về hội chợ - triển lãm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vẫn nhấn mạnh cần phải phát huy tối đa cơ sở vật chất, tạo mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan ở TP, các địa phương trong khu vực và cả nước cũng như với các chuyên gia trên thế giới. Đồng thời, cần phải tập trung nhiều hơn nữa trong việc thể hiện vai trò và vị trí trung tâm của khu vực về nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây con các loại. Phải tổng hợp nhiều yếu tố, đầu tiên là chính sách phù hợp, để không chỉ cơ quan nhà nước mà doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất; trong đó, việc đầu tư vào khoa học công nghệ có vai trò quan trọng. Đây là yêu cầu nhằm tập trung phát triển bền vững ngành nông nghiệp TP. Dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nhưng TP luôn quan tâm đến nông thôn ngoại thành và nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. 
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, vấn đề tiếp theo là chuyển giao. Vì vậy, cần xây dựng mô hình phù hợp với đặc điểm TP, không thể áp dụng nguyên bản từ nước ngoài, giảm chi phí đầu tư để có thể chuyên giao cho người nông dân, tập trung vào các mô hình hoa kiểng, cá cảnh… Bên cạnh việc chuyển giao, cần quan tâm đến thị trường, vì đầu ra cũng hết sức quan trọng, không để bà con bị thiệt hại vì khó tiêu thụ sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục