Hội An dựng nêu đón tết

Bắt đầu từ Tết Nhâm Thìn 2012, lần đầu tiên thành phố Hội An tổ chức hội thi dựng cây nêu ngày tết. Kể từ đó, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, hơn 50 đình chùa, nhà thờ, miếu mạo và cả những nhà hàng phục vụ cho người nước ngoài trong phố cổ đồng loạt dựng nêu đón tết.
Hơn 50 đình chùa, nhà thờ, miếu mạo và cả những nhà hàng phục vụ cho người nước ngoài trong phố cổ đồng loạt dựng nêu đón Tết. Ảnh: NGỌC PHÚC
Tại các khách sạn, khu resort nghỉ dưỡng ở Hội An, cây nêu không chỉ là biểu tượng truyền thống của ngày tết, mà trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Nguyễn Văn Khương, Ban nghi lễ đình làng Sơn Phong, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An cho biết, bài cúng cây nêu thì theo chiếu lệ hằng năm xuân thu nhị kỳ mục đích là cầu an cho bổn xóm, bổn làng, bổn thổ, bổn nhưỡng tại nơi đó được bình yên.

“Bài cúng cây nêu khác rất nhiều so với các bài văn cúng thần, tế thần và cúng xóm, cúng làng, cúng miễu, cúng đình. Bởi lễ cúng cây nêu, thượng nêu có quy định theo cổ truyền, tức là ngày 25 tháng Chạp mới được dựng nêu. Mùng 7 tết là hạ nêu thì phải hạ chứ không để ngày khác được”, ông Khương nói.

Bài cúng cây nêu khác rất nhiều so với các bài văn cúng thần, tế thần và cúng xóm, cúng làng, cúng miễu, cúng đình. Ảnh: NGỌC PHÚC
Theo đó, cây tre được chọn làm cây nêu là loại tre già, thẳng, lóng tre đều và không cụt ngọn. Trên ngọn để nguyên chùm lá tươi. Để giữ cho cây nêu thẳng đứng người ta thường dùng 3 dây giằng được làm bằng dây thừng buộc vào cọc tre hoặc cọc sắt. Lá phướn, ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiến, Hành Binh, Thái Tuế…

Ngày nay, lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm chúc mừng năm mới như: Tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận hoặc chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng... Lá phướn được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới.

Hội An dựng nêu đón tết ảnh 3 Ngày 25 tháng Chạp mới được dựng nêu, mồng Bảy Tết là hạ nêu thì phải hạ. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ngày xưa trên cây nêu thường treo chuông đất, khánh sành nhưng nay đã thay thế bằng chuông gió. Dụng cụ tạo âm treo phía dưới chùm lá tre bằng một vòng tre tròn.

Vật mang ý nghĩa tín ngưỡng theo truyền thống của địa phương có thể là một nhánh lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng, hoặc một giỏ nhỏ được đan bằng tre, bên trong bỏ đồ cúng và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng nan tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang biểu tượng cho “tứ tung ngũ hoành”:

Cây nêu là loại tre từ trên xuống dưới không có mắt kiến. Mục đích là để cho dân làng được hoàn mãn trong 1 năm như vậy. Hồi xưa dây néo là loại dây dừa, nhưng bây giờ người ta làm mấy cái tua để cho đẹp mắt. Trên giỏ nêu có 1 lá bùa, 1 xấp áo giấy cúng cô bác, 1 ổ bánh tổ, 1 chai rượu, gạo, muối…

Trên giỏ nêu có 1 lá bùa, 1 xấp áo giấy cúng cô bác, 1 ổ bánh tổ, 1 chai rượu, gạo, muối…. Ảnh: NGỌC PHÚC 
Ngoài ra, ngày nay, để tạo cảnh quan xung quanh khu vực dựng nêu, có người còn trang trí lồng đèn hoặc các hình thức trang trí khác phù hợp như cây cảnh, panô, đồ án mô hình về ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, con giáp của năm...

Lễ vật cúng dựng nêu gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân, trầu cau, gạo muối. Lễ cúng hạ nêu cũng tương tự như vậy.

Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Ngày xưa cứ đến ngày 23 tháng Chạp là dựng nêu, địa phương miền Trung là ngày 30 nhà nào cũng dựng nêu để ăn tết. Nhưng sau đó “biến mất” khỏi cuộc sống rất là lạ. Không hiểu vì lý do gì? Có thể do đô thị hóa hay biến đổi về đất đai. Đến một lúc Hội An mới nảy sinh ra ý tưởng khôi phục lại cây nêu. Lý do thứ nhất là dựa vào truyền thống lâu đời của cây nêu. Thứ hai là Hội An có điều kiện, có nhiều di tích, tín ngưỡng vẫn còn. Và nhất là truyền thống văn hóa của người Hội An hay bảo tồn cái cổ”.   

Lễ vật cúng dựng nêu gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân, trầu cau, gạo muối, lễ cúng hạ nêu cũng tương tự như vậy. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục