Học viện Múa Việt Nam đào tạo không đúng quy định khiến hàng trăm học sinh điêu đứng ​

Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, chỉ có Trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Do đó, việc tự đào tạo văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam là không đúng quy định.

Vừa qua, đại diện 325 phụ huynh có con đang theo học tại Học viện Múa Việt Nam (HVMVN) đã khẩn thiết kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan về việc con em họ học xong nhưng không được trường cấp bằng. Vụ việc diễn ra đã lâu, phụ huynh - học sinh “kêu cứu” trong  thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Những lá đơn “kêu cứu”

Cụ thể, 325 học sinh, sinh viên (HSSV) đã thi và trúng tuyển vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là HVMVN) từ năm 2013 đến nay. Khi HSSV nhập học, nhà trường yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ (tối thiểu hết lớp 6) hoặc hồ sơ HSSV bản gốc để tiếp tục việc đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển.

Toàn bộ HS nhập học tại HVMVN chưa tốt nghiệp THCS, THPT được trường đào tạo tiếp tục về văn hóa tiếp theo trình độ trong học bạ đã nộp. Cuối năm lớp 9, khi kết thúc bậc học THCS, học viện tổ chức cho HS thi chuyển cấp với hai môn Văn – Toán. Những HS đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được đào tạo. Sau khi học hết lớp 12, học viện tổ chức thi tốt nghiệp THPT với ba môn Văn - Sử - Địa. Tuy nhiên, điều đáng nói là 325 HS trên hiện không nhận được Bằng tốt nghiệp THCS và THPT.

Bên cạnh đó, về việc cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và Cao đẳng chuyên nghiệp (CĐCN) ngành diễn viên múa, toàn bộ hồ sơ tuyển sinh và giấy báo triệu tập HSSV khi trúng tuyển tại học viện đều ghi rõ hệ đào tạo trung cấp hoặc cao đẳng theo chuyên ngành và số năm đào tạo tương ứng (từ 3-6,5 năm). Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ HSSV sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vẫn chưa được cấp bằng TCCN và CĐCN.

Học viện Múa Việt Nam đào tạo không đúng quy định khiến hàng trăm học sinh điêu đứng ​ ảnh 1 Nhiều phụ huynh, học sinh  đã “kêu cứu” trong thời gian dài 

Sau nhiều lần phụ huynh kêu cứu, ngày 16-1-2021, học viện tiệu tập toàn bộ phụ huynh HS và thông báo: Cuối năm 2017, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với HVMVN, chỉ được đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp, không đào tạo văn hóa. Nhưng do sơ xuất từ năm 2017, học viện không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa, vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh.

Hậu quả là toàn bộ HS phổ thông học tại học viện không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở GD-ĐT Hà Nội, dẫn tới việc tất cả các HS này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Do đó không đủ điều kiện để được cấp bằng TCCN hoặc CĐCN.

Giải pháp của học viện đưa ra là toàn bộ HS khi nhập học tại học viện chưa tốt nghiệp THCS, THPT đều phải học quay đầu về văn hóa, tức là học lại toàn bộ chương trình văn hóa từ khi HS bắt đầu vào học tại học viện với một đơn vị liên kết đủ điều kiện đào tạo về văn hóa.

Giải thích này của học viện gây bất bình, hoang mang và lo lắng cho các phụ huynh, HS; họ không thể chấp nhận sự tắc trách của học viện. Điều đó làm ảnh hưởng đến tương của HS, vì các em không đủ điều kiện tiếp tục đăng ký thi và học chuyên nghành khác với trình độ tương đương hoặc cao hơn; không đủ điều kiện nhập học dù thi đỗ tại các trường đại học với trình độ cao hơn ở các chuyên ngành tương đương cùng khối văn hóa nghệ thuật (trường Đại học Sân khấu điện ảnh, trường Đại học văn hóa…).

Phải bảo đảm quyền lợi người học

Ngày 1-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã làm việc với HVMVN về vụ việc này.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo của Bộ, sự việc đã được lãnh đạo Bộ VH-TT-DL chỉ đạo rốt ráo từ cuối năm 2020. Bộ cũng đã trực tiếp xuống HVMVN chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc và làm việc cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT từ đầu năm 2021. 2 bộ đã thống nhất yêu cầu HVMVN đề xuất và làm tờ trình để Bộ VH-TT-DL có căn cứ gửi Bộ GD- ĐT tháo gỡ những vướng mắc này. Tuy nhiên đến nay Vụ mới nhận được văn bản của HVMVN.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu HVMVN phải sớm giải quyết những tồn đọng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho HS; làm thủ tục để cấp được bằng cho HS, vì đó là con đường duy nhất để giải quyết thỏa đáng cho nhu cầu của các phụ huynh và HS.

Học viện Múa Việt Nam đào tạo không đúng quy định khiến hàng trăm học sinh điêu đứng ​ ảnh 2 Nhiều phóng viên báo chí tìm đến chất vấn lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam chiều 1-4

Ngày 1-4, Bộ VH-TT-DL cũng đã gửi văn bản tới Bộ GD-ĐT nhằm tháo gỡ vụ việc này. Văn bản nói rõ đặc thù trong công tác đào tạo nhóm ngành nghệ thuật múa hiện nay là HS vào học tại trường từ lúc còn nhỏ (khi mới học hết lớp 6, hoặc lớp 7, 8), vì vậy, các em phải tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông cùng với chuyên môn tại trường. Do đó, trên cơ sở thỏa thuận của Bộ GD-ĐT từ năm 2002 về việc ban hành chương trình khung ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) đã ban hành Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc nhóm ngành múa.

Từ năm 2012 trở lại đây, HVMVN đã tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT cho HS theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006 và Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28-6-2010 của Bộ GD- ĐT; quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT của VH-TT-DL. Theo đó, sau khi hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp, HS được cấp bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp mà không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Mặt khác, từ năm 2012, theo đề án tuyển sinh riêng, HVMVN đào tạo tích hợp trình độ cao đẳng, ngành diễn viên múa; HS sẽ được học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Tuy nhiên, nhà trường không tổ chức thi tốt nghiệp trình độ trung cấp cho học sinh mà tổ chức kỳ thi chuyển giai đoạn, học sinh đạt kết quả sẽ được chuyển tiếp lên học trình độ cao đẳng. Vì vậy, HS theo học chương trình đào tạo tích hợp trung cấp và cao đẳng sẽ không có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Từ thực tế này, với mong muốn đảm bảo quyền lợi cho người học, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, cho phép HVMVN thực hiện một số giải pháp như cấp bằng tốt nghiệp TCCN cho HS đã hoàn thành chương trình đào tạo TCCN và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá THPT trong Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành múa (theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1-10-2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin) cho HS đã hoàn thành chương trình đào tạo tại HVMVN.

Bộ VH-TT-DL cam kết sẽ nỗ lực giải quyết những vướng mắc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi cho các học viên, đặc biệt là những trường hợp sắp thi đại học.

Cũng trong ngày 1-4, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT) khẳng định, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, chỉ có Trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Do đó, việc tự đào tạo văn hóa tại HVMVN là không đúng quy định.
“Dù Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về việc phối hợp giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp, cao đẳng để thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhưng thực tế một số trường TC và trường CĐ tổ chức thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không đúng quy định”, ông Hoàng Đức Minh cho hay.

Tuy nhiên, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người học, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ VH-TT-DL bàn cách tháo gỡ những khó khăn tại HVMVN. Ngày 1-4, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp với Bộ VH-TT-DL, thống nhất yêu cầu của HVMVN đề xuất và làm tờ trình để Bộ VH-TT-DL có căn cứ gửi Bộ GD-ĐT tháo gỡ những vướng mắc.

Có thể thấy, theo quy định, từ năm 2017, HVMVN không được phép đào tạo văn hóa; thay vì liên kết với các đối tác đào tạo văn hóa đủ điều kiện, cơ sở này vẫn tiếp tục tự đứng ra dạy văn hóa cho học viên; việc đào tạo này không có giá trị pháp lý, khiến cho nhiều HS sau hơn 6 năm học tập tại trường vẫn chỉ đạt trình độ lớp 6. Là trường nghệ thuật đặc thù, trường có thể đề xuất việc xét tốt nghiệp THCS cho HS nhưng HVMVN không có sự phối hợp với Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy - nơi trường đóng trụ sở để làm việc này; trong khi các địa bàn đều có đủ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên thực hiện việc này… Việc đào tạo không đúng quy định, thiếu trách nhiệm của HVMVN đã làm ảnh hưởng đến hàng trăm học sinh.

Tin cùng chuyên mục