Học thuyết đối ngoại mới của Nga

Ngày 6-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua Khái niệm về chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài, có thể xem là học thuyết đối ngoại mới dựa trên lý tưởng về một “Thế giới Nga”. Khái niệm này được biết đến với ý nghĩa thể hiện sự ủng hộ dưới mọi hình thức dành cho những người nói tiếng Nga trên toàn thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 28-10-2021
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nga lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 28-10-2021

Vì một thế giới đa cực

Văn kiện về chính sách đối ngoại dài 31 trang có đoạn nêu rõ, nước Nga nên bảo vệ và thúc đẩy những truyền thống, tư tưởng về “Thế giới Nga”. Văn kiện nêu bật những tư tưởng chính sách chính thức xung quanh những hoạt động chính trị và tôn giáo nhằm thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối cho người nói tiếng Nga. Nội dung chính sách có đoạn nêu rõ, Liên bang Nga hỗ trợ cho tất cả đồng bào người Nga sinh sống ở nước ngoài được hưởng đầy đủ các quyền lợi, để đảm bảo những lợi ích của đồng bào được bảo vệ và đặc trưng văn hóa Nga được bảo tồn. Những mối liên hệ của nước Nga với đồng bào Nga trên toàn thế giới cho phép nước này củng cố hình ảnh trên trường quốc tế là quốc gia vì một thế giới đa cực.

Đầu năm 2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định, Moscow ưu tiên vô điều kiện việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Nga ở nước ngoài, thúc đẩy sự hợp nhất của cộng đồng người Nga đa sắc tộc và đa tôn giáo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tối đa các đòn bẩy của ngoại giao kinh tế và hỗ trợ ngoại giao cho các dự án đầu tư có sự tham gia của Nga ở nước ngoài. Chúng tôi luôn chú trọng và ngày càng quan tâm đến việc quảng bá ngôn ngữ cũng như những thành tựu của văn hóa Nga”, ông Lavrov nói.

Hướng tới quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng

Chính sách mới còn có đoạn nêu, Nga nên tăng cường hợp tác với các nước Slav, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời củng cố quan hệ với khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi... Theo Ngoại trưởng Nga, nhiều thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên chính trường quốc tế, mà phần lớn không hoàn toàn tích cực và gây rúng động hệ thống toàn cầu. Ông Lavrov cho rằng các quốc gia phương Tây vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận sự trỗi dậy của thế giới đa cực, vốn công bằng và dân chủ hơn so với thế giới đơn cực do một nước thống trị.

Ngoại trưởng Nga nhận định, trung tâm chính trị và kinh tế thế giới đã chuyển từ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương sang khu vực Á - Âu. Nga có lẽ là quốc gia quan tâm đến sự phát triển có chất lượng của khu vực Á - Âu rộng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhờ vào nỗ lực của Moscow, mức độ hội nhập trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) ngày càng tăng và các mối quan hệ của tổ chức này với các đối tác bên ngoài ngày càng được mở rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển của EAEU gắn liền với kế hoạch của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trong những lĩnh vực liên quan.

Ông Lavrov gọi mối quan hệ hợp tác của Nga với Trung Quốc là ví dụ điển hình cho cách thức phát triển tương tác giữa các quốc gia trong thế kỷ 21. Bên cạnh mối quan hệ đối tác chiến lược đang tiến triển với Ấn Độ, Nga còn quan tâm đến mở rộng tương tác với phần lớn các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm cả các quốc gia thuộc ASEAN. Theo đánh giá của ông Lavrov, hợp tác giữa Nga và ASEAN đang tiến triển nhanh chóng. Tất cả những điều này là điều kiện tiên quyết để thực hiện sáng kiến của Tổng thống Putin về việc thành lập Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng.

Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng hợp tác của Nga với các nước châu Phi đang đạt được những bước tiến mới. Các bên đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai dự kiến diễn ra trong năm 2022. Nga cũng quan tâm đến việc tăng cường mối quan hệ đối tác với các quốc gia Mỹ Latinh, coi khu vực này là một trung tâm độc lập của thế giới đa cực mới nổi, gần gũi với Nga về mặt tinh thần và có triển vọng kinh tế to lớn.

Tin cùng chuyên mục