Học thật, thi thật

Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 trong cả nước sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7, sau khi học sinh kết thúc 1 năm học vất vả do tác động của dịch Covid-19, nhiều nơi học sinh đã phải học trực tuyến thời gian dài.

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, dù thời gian qua còn nhiều tranh luận về tính cần thiết của kỳ thi, thì đến thời điểm này, tác động và ý nghĩa của kỳ thi tới xã hội vẫn còn rất lớn. Do đó, trách nhiệm của ngành giáo dục, các địa phương là rất nặng nề trong việc tổ chức kỳ thi, đòi hỏi phải tổ chức chặt chẽ, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người học. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đối với ngành giáo dục hiện nay là phải thực hiện bằng được chủ trương học thật, thi thật. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Kỳ thi không chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT mà còn là căn cứ để nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh, do đó phải bảo đảm làm sao kết quả thi, kết quả học phản ánh được tương đối chính xác chất lượng giáo dục của từng học sinh, trường học, địa phương, rộng hơn là của cả nước.

Muốn thế, kỳ thi phải được tổ chức nghiêm túc, trung thực. Chỉ có kết quả học thật, thi thật thì chúng ta mới có công cụ chuẩn để “đo đếm” chất lượng giáo dục, từ đó quay lại điều chỉnh cách dạy và học trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu của xã hội. 

Hiện nay, các phương thức xét tuyển đại học đã có nhiều thay đổi, có thêm nhiều cách để các trường xét tuyển mà không nhất thiết phải dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, hiện tại các trường đại học, hình thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp đang ngày càng thu hẹp. Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã công bố, từ năm 2023, không xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Nhiều trường đại học hiện ưu tiên xét tuyển theo nhiều phương thức, trong đó có hình thức xét tuyển kết hợp học bạ.

Tuy nhiên, cách tuyển sinh này cũng gây những lo ngại nhất định. Chẳng hạn, không ít ý kiến cho rằng, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, chất lượng học nhiều nơi không cao vì phải học trực tuyến nhiều, nhưng khi kết thúc năm học, nhiều trường cho học sinh điểm cao để “đẹp” học bạ, nhằm được tuyển thẳng vào đại học. Xét tuyển bằng học bạ có lợi cho các trường đại học, nhất là đại học nhóm giữa, nhóm dưới và tạo cơ hội lớn cho thí sinh. Nhưng về lâu dài, nếu không kiểm soát tốt điểm học bạ của học sinh THPT thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học, bởi đầu vào có thể trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cũng sẽ gây bất bình đẳng cho thí sinh ở những nơi “học thật, thi thật”.  

Hiện Bộ GD-ĐT đã thực hiện đối sánh giữa điểm học bạ và điểm thi của học sinh cả nước sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc đối sánh, công khai điểm thi, thứ hạng có thể gây áp lực cho địa phương nhưng đó lại là chỉ báo rất tốt để các đơn vị biết được vị trí của mình đang ở đâu trong tương quan so sánh với cả nước. Đó cũng là chỉ báo quan trọng để có thể phát hiện ra những “bất thường” về chất lượng giáo dục (năm 2018, nhờ so sánh phổ điểm các môn thi đã phát hiện ra vụ việc gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).

Để có một nền giáo dục “học thật, thi thật”, về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần xây dựng hệ thống đối sánh quốc gia, tích hợp dữ liệu từ hệ thống quản lý thi THPT và hệ thống thông tin quản lý giáo dục đến tận các trường THPT. Sau mỗi kỳ thi, có kết quả đối sánh đó, xã hội sẽ biết rõ chất lượng giáo dục của từng trường. Đó cũng sẽ là chỉ số quan trọng để các trường đại học quyết định có nên hoàn toàn xét tuyển dựa vào học bạ, hay cần thiết phải thiết kế một phương thức xét tuyển phù hợp.

Tin cùng chuyên mục