Học sinh lớp 1 ở vùng dịch sẽ học như thế nào?

Trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh.
Nhiều học sinh lớp 1 ở vùng dịch có thể học qua truyền hình trong khi năm học mới bắt đầu. Ảnh chụp khi chưa có dịch: QUANG PHÚC
Nhiều học sinh lớp 1 ở vùng dịch có thể học qua truyền hình trong khi năm học mới bắt đầu. Ảnh chụp khi chưa có dịch: QUANG PHÚC

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022.

Theo đó, năm học này, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 3 trong năm học 2022-2023 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Tin học và môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định.

Phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Bộ GD-ĐT nêu rõ, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học, đa dạng các hình thức tổ chức để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng thực hiện tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành giáo dục.

Học sinh lớp 1 ở vùng dịch sẽ học như thế nào? ảnh 1 Nhiều phụ huynh ở vùng dịch lo lắng con mình vào lớp 1 sẽ gặp khó khăn. Ảnh chụp khi chưa có dịch: QUANG PHÚC

Cụ thể, trong thời gian học sinh không thể đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, đối với học sinh lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh.

Lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2.

Chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà.

Sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.

Bộ GD-ĐT nêu rõ, tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến; giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.

Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh.

Ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán, đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.

Thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” (nội dung chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” được thiết kế 56 chủ đề tương ứng với 56 số phát sóng theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 - dùng chung cho các sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ học sinh học tốt phần Học vần, từ đó có thể dần làm chủ các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe ở lớp 1).

Nội dung này đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp các em học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt, được phát trên sóng (kênh) VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 6-9.

Lịch phát sóng trực tiếp trên sóng (kênh) VTV7 bắt đầu từ ngày 6-9 vào khung giờ 14 giờ 30phút đến 15 giờ các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần và được lưu trên ứng dụng VTVgo, kênh Youtube VTV7 và cổng thông tin điện tử vtv7.vtv.vn để nhà trường phối hợp với gia đình tổ chức cho học sinh học vào khung giờ và cách thức phù hợp với từng gia đình.

Bên cạnh đó, các trường hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

Còn đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, Bộ yêu cầu sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung sẵn sàng tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành giáo dục. Thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học.

Các cơ sở giáo dục căn cứ vào hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy của Bộ GD-ĐT để điều chỉnh, thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện tinh giản và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp.

Bộ GD-ĐT lưu ý, trong trường hợp khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 mà bộ GD-ĐT đã ban hành không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục tổng hợp về Sở GD-ĐT để báo cáo Bộ GD-ĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục