Học Bác cách yêu thương người bệnh

Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm, xem người bệnh như người thân trong gia đình, những bác sĩ ấy đã có sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng kỹ thuật mới vào thực tiễn để giúp bệnh nhân ngày một tốt hơn. 

Nhớ lời Bác Hồ “Người bệnh đã phó thác tính mạng mình cho bác sĩ, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”, các bác sĩ trẻ đã phấn đấu để lửa nhiệt huyết ngày càng cháy rực. 

Phấn đấu vì người bệnh

17 giờ 30, bác sĩ Dương Toàn Trung, công tác tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy, bước vào phòng chạy thận và đến giường của bà Nguyễn Thị Hồng. Giọng bác sĩ Trung nhẹ nhàng: “Lúc con xem bệnh, cô nói chân bị đau phải không? Cô để con xem lại. Cô có tập đều đặn bài điều trị con hướng dẫn không? Cô gắng tập, vì sẽ giúp sức khỏe cải thiện hơn”.

Vừa nói, bác sĩ Trung vừa xem lại chân cho người bệnh. Bà Hồng là một trong nhiều bệnh nhân lâu năm của bác sĩ Trung tại Khoa Thận nhân tạo. Mỗi tuần, bà phải vào đây để chạy thận nhân tạo 3 lần. Chính sự tận tình của bác sĩ Trung cùng các y bác sĩ tại khoa đã giúp bà thấy bệnh viện thoải mái như chính nhà mình. 

9 năm công tác tại khoa, nhìn thấy và thấu hiểu những mệt mỏi, đau đớn do biến chứng của bệnh gây ra cho bệnh nhân, bác sĩ Trung tìm hiểu rồi học tập, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền để kết hợp trong điều trị cho bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều người giảm được các biến chứng đáng tiếc. 

Ngày Dương Toàn Trung tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM và chọn về Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều người lời ra tiếng vào: Khoa đó có gì mà làm, rồi một thời gian sẽ “lụt nghề”. Ban đầu nghe vậy, Trung cũng buồn. Nhưng bằng tình yêu nghề, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, Trung tìm tòi, nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả phục vụ bệnh nhân.

Điển hình là đề tài ứng dụng kỹ thuật lọc máu hấp thụ trong điều trị ngộ độc cấp, báo cáo hàng loạt các điều trị ngộ độc Acetaminophen cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đề tài đánh giá hiệu quả phát đồ Elbasvir/Grazoprevir trong điều trị virus viêm gan C trên bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. Các đề tài đã góp phần cải thiện tỷ lệ thành công trong điều trị viêm gan do virus HCV ở những bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Từ đó mở ra cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận một hướng điều trị tối ưu hơn là ghép thận. 

Không chỉ đi đầu trong chuyên môn, với vai trò Bí thư chi đoàn Nội 2, Trung đã có nhiều chương trình để đoàn viên các khoa cùng tham gia. “Ban đầu, các bạn có rụt rè, nhưng khi thấy mình đứng ra gánh vác việc, rồi phân công việc cho mọi người một cách hợp lý thì các bạn cũng xung phong cùng làm. Giờ thì đã thành nếp, khi cần tính tiên phong thì đoàn viên các khoa lại xung kích đi đầu”, Trung cho biết. 

Sáng kiến tạo tiện ích cho bệnh nhi

Tại Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi và người nhà cảm thấy thoải mái mỗi khi vào nhà vệ sinh. Dù là nhà vệ sinh chung nhưng sạch sẽ, thoáng mát. Chị Trần Thanh Ngọc (quê Vĩnh Long) đang chăm sóc con gái tại bệnh viện, cho biết khá bất ngờ khi bước vào nhà vệ sinh thì có tiếng nhạc cùng giọng nói nhẹ nhàng nhắc nhở.

“Tại bồn rửa tay thì có chai xà phòng, bên cạnh có các poster hướng dẫn cách rửa tay cũng như tuyên truyền giữ vệ sinh chung với hình ảnh sinh động. Nhất là các cây xanh đã giúp nơi đây thêm thoáng mát”, chị Ngọc nhận xét.

Đó là sáng kiến “cải tiến chất lượng nhà vệ sinh bệnh nhân, xây dựng nhà vệ sinh thông minh” do bác sĩ Châu Tố Uyên, công tác tại Khoa Tiêu hóa cùng các đoàn viên trong khoa thực hiện. Đến nay, công trình đã mang lại sự thoải mái cho bệnh nhi. 

Học Bác cách yêu thương người bệnh ảnh 1 Luôn mỉm cười là cách bác sĩ Châu Tố Uyên chiếm được tình cảm bệnh nhi

“Hiểu tâm lý bệnh nhi và người nhà rất sợ vào nhà vệ sinh của bệnh viện nên tôi và các bạn đã thực hiện công trình này. Ngoài tạo tiện ích cho bệnh nhi thì chuông cảm biến tự động phát lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh cũng là cách giúp người nhà bệnh nhi nâng cao ý thức vệ sinh chung”, Uyên bày tỏ. 

Là bác sĩ trẻ, công tác tại bệnh viện nhi, bác sĩ Uyên cho biết lúc mới vào nghề thấy khá căng thẳng vì đối tượng mình chăm sóc không chỉ các bệnh nhi, mà còn phải ổn định tâm lý lo lắng cho người nhà các bé. Vậy là Uyên tìm đọc sách và tham gia các khóa học tâm lý phụ huynh, để từ đó biết cách giải thích về bệnh tình của trẻ một cách kỹ càng hơn giúp người nhà không lo lắng.

Mỗi lần khám, Uyên biết phải tạo sự thoải mái, thân thiện, vui vẻ cho trẻ. Khi thì đưa cho bé đồ chơi, khi lại chọc cho các bé cười. Điều đó không chỉ giúp bệnh nhi vui vẻ mà chính Uyên cũng thấy hạnh phúc hơn khi mỗi ngày đến khoa làm việc.

“Trong bức thư Bác Hồ viết gửi Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955, ngoài những dặn dò hết sức thiết thực với đội ngũ y bác sĩ, Bác có đề cập y học phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng. Bác Hồ cũng gợi mở đội ngũ y bác sĩ nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc đông y và tây y. Nhớ lời Bác, ngoài phấn đấu trong chuyên môn, tôi cũng tìm hiểu các bài thuốc đông y để hỗ trợ người bệnh những lúc cần”, bác sĩ Trung chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục