Hoãn xét xử “đại án” phá rừng quy mô lớn nhất Bình Định

Theo kế hoạch, trong ngày 28-6, Hội dồng xét xử TAND tỉnh Bình Định sẽ xét xử vụ án phá rừng quy mô lớn nhất tại Bình Định với tổng diện tích rừng bị phá trên 64ha, 5.522m³ (giá trị rừng bị thiệt hại là gần 4,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, vào sáng 28-6, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định đã phải hoãn xét xử vụ án vì vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định phải hoãn xét xử vụ án vì vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định phải hoãn xét xử vụ án vì vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho bị cáo
Vụ án có 9 người bị khởi tố, gồm: Lê Văn Thiệt (SN 1962) ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, cùng Nguyễn Văn Ri (SN 1975), Lê Hồng Đức (SN 1977), Lê Xuân Hậu (SN 1986) Nguyễn Nguyên Thực, Võ Dần (SN 1949), Võ Ngọc Triển, Nguyễn Cứ và Phan Dễ (cùng ở huyện Hoài Nhơn).

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, từ tháng 7-2015 đến tháng 8-2017, các đối tượng trên đã có hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).

Tổng diện tích rừng bị phá 64,18ha; trong đó có 25,87ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20m³, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là 4.792.800.600 đồng.
Hoãn xét xử “đại án” phá rừng quy mô lớn nhất Bình Định ảnh 1 Hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn nhất tại Bình Định từ trước đến nay
Cơ quan điều tra đã xác định được 3 nhóm và 1 cá nhân (tổng cộng 9 người) đã thực hiện hành vi phá rừng bao, gồm:  Nhóm Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri, dưới sự chỉ đạo của Thiệt, Ri thuê người chặt phá 37,53ha rừng sản xuất (trữ lượng rừng bị phá 2.868,10m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 1.942.177.500 đồng). Nhóm kế tiếp, do các đối tượng Đức, Hậu, Thực và Dần, đã chung tiền thuê nhân công phát thực bì, cưa hạ cây rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1 xã An Hưng (huyện An Lão) với 17,81ha rừng phòng hộ (trữ lượng rừng bị thiệt hại 1.791,70m³, 1.934.700.300 đồng). Nhóm cuối cùng, do các đối tượng Triển và Cứ đứng ra chung tiền, thuê người phá rừng tại 7 khu vực thuộc khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng để trồng keo với 6,99ha, trong đó rừng có chức năng phòng hộ là 6,21ha và 0,78ha rừng có chức năng sản xuất (trữ lượng rừng bị thiệt hại là 676,30m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 714.957.300 đồng). Cá nhân đối tượng Dễ còn tự phát rừng để trồng keo tại khoảnh 7, tiểu khu 1, xã An Hưng; diện tích rừng phòng hộ bị phá là 1,85ha (trữ lượng rừng là 186,10m³, giá trị rừng bị thiệt hại là 200.965.500 đồng) – Thời gian từ tháng 3-2017 đến 8-2017.
Hoãn xét xử “đại án” phá rừng quy mô lớn nhất Bình Định ảnh 2 Các đối tượng có hành vi phá rừng
Sớm đưa vụ án ra xét xử công khai

Liên quan đến “đại án” phá rừng quy mô lớn này, tháng 12-2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công an tỉnh và các cơ quan chức năng khẩn trương kết thúc điều tra, sớm đưa ra xét xử công khai vụ việc nói trên và thông tin cho người dân biết.

Từ cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với Chủ tịch UBND huyện An Lão là Phạm Văn Nam và Phó chủ tịch UBND huyện này là ông Đỗ Tùng Lâm.

Theo đó, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cùng 2 Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện An Lão và Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn đã bị xử lý hình thức khiển trách.

Có 8 cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.

Tin cùng chuyên mục