Hoàn thuế điện tử - hạn chế phát sinh tiêu cực

Câu chuyện hoàn thuế kéo dài, gây khó dễ, đòi “cưa” phần trăm bấy lâu nay đã bị các doanh nghiệp phản ánh nhiều trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo ngành thuế. Thì nay, việc hoàn thuế điện tử đã phần nào minh bạch, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, có thể làm giảm phát sinh tiêu cực… 

 

Làm hồ sơ thuế tại Cục thuế TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Làm hồ sơ thuế tại Cục thuế TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
3 tháng, hoàn thuế điện tử 5.500 tỷ đồng

Kể từ tháng 4-2017, Tổng cục Thuế bắt đầu triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử tại 13 cục thuế. Đến cuối tháng 7, chỉ qua 3 tháng, cơ quan thuế đã tiếp nhận hơn 2.600 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng; trong đó có 1.268 doanh nghiệp thực hiện khai hoàn thuế điện tử đạt hơn 40% trên tổng số hồ sơ tham gia thí điểm. Tổng số tiền hoàn thuế bằng phương thức điện tử là 5.500 tỷ đồng. 

Điều đáng mừng, từ khi áp dụng thí điểm hoàn thuế điện tử đến nay, tỷ lệ hồ sơ tham gia tăng nhanh và số được hoàn thuế thành công cũng tăng theo. Cụ thể, trong tháng 4-2017, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hoàn thuế điện tử chỉ đạt chưa đầy 10% số hồ sơ, trong tháng 5 tăng lên 15,5%, vào tháng 6 bắt đầu triển khai tại 63/63 tỉnh, thành thì số hồ sơ hoàn thành tăng trên 25% và đến cuối tháng 7 đã đạt trên 40%. Nguyên nhân, phương thức này đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp, bởi mang tính hiện đại, nhanh chóng, công khai, minh bạch và thuận tiện hơn. 

Doanh nghiệp có thể tham khảo quy trình, hồ sơ trên các trang thông tin điện tử của ngành thuế. Doanh nghiệp tải biểu mẫu, gửi hồ sơ qua mạng đến cơ quan thuế. Sau đó, doanh nghiệp vẫn cập nhật được đầy đủ, kịp thời các thông báo của cơ quan thuế thông qua cổng thông tin điện tử, bao gồm cả việc xác nhận thời điểm nhận hồ sơ, giấy hẹn trả kết quả, hồ sơ thuộc diện hoàn trước hay kiểm trước và quyết định hoàn thuế điện tử.

Do vậy, việc triển khai hoàn thuế điện tử không những đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan thuế. Về phía doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian công sức trong việc gửi đề nghị hoàn thuế, hồ sơ giải trình, tài liệu bổ sung trong quá trình giải quyết hoàn thuế so với gửi đề nghị hoàn thuế trực tiếp hoặc qua đường bưu chính. Doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế hoặc hồ sơ giải trình, bổ sung có thể thực hiện trên mạng và gửi qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí, giảm thiểu việc phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan chức năng, qua đó ngăn ngừa những nhũng nhiễu tiêu cực trong hoàn thuế.

Cuối năm sẽ có 90% hồ sơ xuất khẩu được hoàn thuế điện tử

Mục tiêu ngành thuế đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt trên 90% số hồ sơ hoàn thuế và số tiền hoàn thuế theo phương thức điện tử. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình chặt chẽ từng bước. Cụ thể, từ nay đến tháng 10 sẽ có tối thiểu 80% số hồ sơ trở lên trong hoạt động xuất khẩu, đầu tư được thực hiện hoàn thuế theo phương thức điện tử. Tháng 11 sẽ nâng tỷ lệ này lên 85% và tháng 12 là 90% hồ sơ hoàn thuế trong hoạt động xuất khẩu, đầu tư được thực hiện theo phương thức điện tử.
Hiện nay ngành thuế đang triển khai rộng rãi đến các doanh nghiệp. Trong nội bộ, Tổng cục Thuế cũng có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương lập danh sách những đối tượng hoàn thuế xuất khẩu, dự án đầu tư chưa tập huấn, chưa đăng ký thực hiện hoàn thuế điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và tiến hành tổ chức tập huấn cho khoảng 3.000 doanh nghiệp thuộc nhóm này. Sau đó, hàng tháng sẽ tiến hành tập huấn bổ sung để các doanh nghiệp có thể thử hoàn thuế qua mạng. Qua đó, cơ quan thuế sẽ nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm các hồ sơ hoàn thuế sẽ thực hiện bằng phương thức điện tử ngay từ tháng 9 này.
 
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước nâng cấp hệ thống liên kết công nghệ thông tin của 2 cơ quan, để cơ quan thuế có thể chuyển quyết định hoàn thuế, lệnh hoàn thuế sang Kho bạc Nhà nước bằng phương thức điện tử và nhận thông tin hạch toán chi hoàn thuế cho người nộp thuế từ Kho bạc Nhà nước tự động điện tử. Như vậy, việc hoàn thuế và chi hoàn thuế sẽ được công khai cho các bên liên quan.

Lãnh đạo Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, các trường hợp còn lại như hoàn thuế giá trị gia tăng ODA, miễn trừ ngoại giao, khách du lịch xuất cảnh, giải thể - phá sản, nộp thừa, quyết toán thuế thu nhập cá nhân… vẫn chưa thực hiện điện tử. Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu, xây dựng các giải pháp ứng dụng kỹ thuật để trong năm 2018 tiếp tục thí điểm và dần mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử đối với các trường hợp này.

Tin cùng chuyên mục