Hoàn thiện lực lượng để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh

TPHCM đã trải qua năm 2021 với nhiều khó khăn chưa từng có khi trở thành tâm dịch của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Bước sang năm 2022 dù khó khăn, thách thức vẫn còn nhưng ngành y tế thành phố đã có các phương án sẵn sàng ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. 

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về định hướng trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân thời gian tới.

Hoàn thiện lực lượng để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh ảnh 1 PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

PHÓNG VIÊN: Nhìn lại một năm qua, trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế đã đúc kết những việc làm được và bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Có thể nói, năm 2021 là một năm đáng nhớ không chỉ đối với ngành y tế mà đối với toàn thể người dân thành phố khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khiến hàng chục ngàn người chết, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội. Trước những khó khăn, thử thách đó, ngành y tế thành phố đã nỗ lực hết mình và qua đó cũng có nhiều kết quả khả quan. Đó là việc ngành y tế thành phố chủ động xây dựng phiên bản hướng dẫn sử dụng gói thuốc A,B,C trong chăm sóc F0 tại nhà đầu tiên trên cả nước. Nếu không có các gói thuốc này thì công tác chống dịch thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, gói thuốc A,B,C đã được Bộ Y tế nhân rộng trên cả nước và các phiên bản hướng dẫn chăm sóc, điều trị F0 tại nhà do Sở Y tế TPHCM xây dựng cũng được Bộ Y tế sử dụng làm tư liệu để xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. 

Bên cạnh đó, lần đầu tiên TPHCM triển khai hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ ngành, nhất là Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, chỉ trong tháng 7 và 8, gần 1.000 trạm y tế lưu động được thành lập do đội ngũ nhân viên y tế và bác sĩ quân y phụ trách, đã kịp thời triển khai hoạt động chăm sóc F0 tại nhà, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

Vừa qua, lần đầu tiên TPHCM nhận sự chi viện rất lớn về y tế từ các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Tổng cộng đã có 23.748 cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước chi viện cho thành phố. Ngành y tế thành phố cũng đã huy động tổng lực toàn bộ nhân viên y tế trên địa bàn tham gia vào công tác chống dịch. 

Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc hệ thống y tế cơ sở bộc lộ những điểm yếu kém, tồn tại từ rất lâu, ngành y tế TPHCM có kế hoạch cải thiện như thế nào?

Dù đã thực hiện khá tốt công tác điều tra dịch tễ, truy vết và chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nhưng thời gian qua chúng ta cũng nhận thấy những “lỗ hổng” của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là về nhân lực. Trước thực trạng đó, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng đề án “Nâng cao năng lực y tế cơ sở” trình UBND TPHCM và các bộ, ngành liên quan. Trước mắt, Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố sớm có chính sách giữ chân nhân viên y tế và thu hút bác sĩ về y tế cơ sở công tác. Việc đầu tiên là cần phải hỗ trợ nâng cao thu nhập cho nhân viên tại các trạm y tế. 

Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất cơ chế để bác sĩ mới ra trường đến trạm y tế công tác. Trong đó, khuyến khích bác sĩ mới tốt nghiệp đến các trạm y tế thực hành. Thay vì thực hành 18 tháng ở bệnh viện để được cấp chứng chỉ hành nghề thì nay họ có thể thực hành 12 tháng tại trạm y tế và 6 tháng ở bệnh viện, miễn phí tiền học đồng thời hỗ trợ một phần chi phí. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề xuất cho phép trạm y tế được ký hợp đồng với bác sĩ đã nghỉ hưu; bổ sung thêm loại hình nhân viên ở trạm y tế để các nơi này hoạt động được. Ước tính cứ 10.000 dân có 1 trạm y tế là lý tưởng nhất.

Hoàn thiện lực lượng để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh ảnh 2 Đội ngũ y bác sĩ tận tâm chăm sóc người mắc Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm 2021, TPHCM đã khởi động thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Đến nay việc triển khai như thế nào và hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp ích gì cho công tác phòng chống dịch?

Giữa tháng 4-2021, Sở Y tế phối hợp với Sở TT-TT thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho 22.000 người dân tại phường 27, quận Bình Thạnh. Dự kiến triển khai trên toàn thành phố trong năm 2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử phải tạm ngưng. Đầu năm 2022, Sở Y tế sẽ ưu tiên khởi động lại hoạt động này và phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. 

Bước sang năm 2022, ngành y tế thành phố đề ra những mục tiêu gì?

Năm 2022, ngành y tế sẽ hòa cùng năm hành động của thành phố là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ngoài mục tiêu chống dịch, ngành y tế sẽ tiếp tục chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân, phát triển từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Muốn vậy đòi hỏi phải có sự thay đổi, chuyển đổi cấu trúc, chức năng của các cơ sở y tế. Những sự thích ứng linh hoạt này bắt buộc phải diễn ra ở cả nhân lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Mỗi nhân viên y tế đều phải vừa làm tốt nhiệm vụ tại đơn vị vừa sẵn sàng lên đường tham gia công tác phòng chống dịch.

Chúng tôi đã rút ra được 10 bài học kinh nghiệm bao phủ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến huy động nguồn lực xã hội để tham gia chống dịch. Mỗi bài học là một cách thích ứng rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và chắc chắn sẽ trở thành công cụ để tiếp tục phấn đấu trong năm 2022 với mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. 

Tin cùng chuyên mục