Hoán đổi vị trí

Sau nhiều tháng luôn chiếm những vị trí cao nhất trong tốp 10 chương trình truyền hình hàng tháng, đã có cuộc đổi ngôi thú vị giữa phim truyền hình với các trò chơi truyền hình (gameshow) cũng như các chương trình tin tức, thời sự, xã hội.

Thống kê vừa được Kantar Media Việt Nam đưa ra đối với các chương trình truyền hình có đối tượng khán giả trên 4 tuổi áp dụng tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ, cũng như từng khu vực trong tháng 11. Hai chỉ số được đơn vị này thống kê gồm: rating trung bình (đơn vị % - lượng khán giả trung bình trên 1 phút của chương trình trong tháng, tính bằng % dân số) và lượng người xem trung bình (đơn vị: ngàn người - lượng khán giả khác nhau có xem chương trình đó ít nhất một phút). 

Cụ thể, trên cả nước trong tháng 11, Cuộc hẹn cuối tuần đã vươn lên vị trí số 1 với tỷ lệ rating 5,3%, vượt qua bộ phim rất được yêu thích là 11 tháng 5 ngày (4,7%) hay phần tiếp theo trong series Cảnh sát hình sự - Mặt nạ gương (4,3%). Đáng chú ý, trong tốp 10 chương trình truyền hình theo rating có sự xen kẽ của cả phim truyền hình: Thương ngày nắng về, Nghiệp sinh tử, Vùng đất huyền bí (phim Thái Lan), trò chơi truyền hình: Vua tiếng Việt, Người một nhà, Chọn đâu cho đúng... 

Đặc biệt, khán giả 2 khu vực miền Bắc và miền Trung khá yêu thích các chương trình thời sự, xã hội: Chuyển động 24h, Việt Nam hôm nay… với chỉ số rating cao. Với khán giả miền Bắc, các chương trình được xem nhiều nhất đều được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), trong khi khán giả miền Trung xen kẽ các chương trình của VTV, THVL1. Riêng đối với khán giả phía Nam, THVL1 chiếm ưu thế độc tôn khi chiếm đến 8/10 chương trình, còn lại thuộc HTV7 và HGTV. Điểm khá thú vị, khán giả phía Nam có sự phân chia khá đa dạng về thể loại chương trình gồm: phim truyền hình (Nghiệp sinh tử, Vợ tôi là số 1, Vùng đất huyền bí), trò chơi truyền hình (Người kể chuyện tình, Đánh thức đam mê, Solo cùng bolero), chương trình tin tức - xã hội (Việt Nam mến yêu, Lần theo dấu vết, Tin tức Mekong). 

Sự dịch chuyển về nhu cầu, sở thích xem các chương trình trên sóng truyền hình trong tháng 11, ngoài thói quen như thường lệ, đã có sự tác động của các yếu tố khách quan, trong đó có yếu tố dịch bệnh. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của khán giả đối với các chương trình về tin tức, thời sự, xã hội thay vì chỉ xem truyền hình với mục đích giải trí như trước đây. Rất có thể xu hướng này sẽ tiếp tục lặp lại trong các tháng tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục