Họa sĩ Hà Hùng Dũng: Vẽ như mình hít thở mỗi ngày

Nhắc đến họa sĩ Hà Hùng Dũng, người xem đặc biệt ấn tượng về đề tài phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc trong tranh của anh. Mỗi bức tranh là một gam màu riêng biệt, khó có thể nhầm lẫn. 

Khách thưởng lãm được gặp những “nàng thơ” của Hà Hùng Dũng trong triển lãm Mơ ra mắt ngày 29-11 tại TPHCM. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có buổi trò chuyện với anh. 

* PHÓNG VIÊN: Phụ nữ Tây Bắc trong tranh của anh rất khác lạ. Người xem nhìn thấy những người phụ nữ trong trang phục truyền thống rất duyên dáng, thậm chí yểu điệu, kiêu sa như những nàng công chúa? 

* Họa sĩ HÀ HÙNG DŨNG: Thú thật, tôi nghĩ mình bị phụ nữ Tây Bắc mê hoặc mất rồi. Tôi vẽ không mệt mỏi, vẽ cứ như là phải hít thở mỗi ngày vậy! Ai cũng nói phụ nữ Tây Bắc trong tranh của tôi không hề nghèo khổ chút nào. Cuộc sống của họ tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ở họ toát lên một ý chí rất mạnh mẽ và luôn yêu đời.

Qua góc nhìn của mình, tôi chỉ muốn nhắn gửi một thông điệp: người phụ nữ Tây Bắc nói chung, Sa Pa nói riêng, tinh thần luôn lạc quan, tươi vui và hạnh phúc. Họ có một vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn. Tất cả thể hiện qua cử chỉ, qua ánh mắt của họ; qua hình tượng ngoằn ngoèo của ruộng bậc thang, những cánh chim thong dong, những lũy tre, người thiếu nữ hái bông hoa dại cài trên mái tóc…

Họa sĩ Hà Hùng Dũng: Vẽ như mình hít thở mỗi ngày ảnh 1 Họa sĩ Hà Hùng Dũng và trẻ em dân tộc thiểu số ở Tây Bắc

Tôi yêu vẻ đẹp thiên nhiên và sự thuần khiết của con người nơi đây nên cũng muốn góp một phần đáp lại ân nghĩa đến vùng đất này. Mỗi năm, sau những cuộc triển lãm, nhóm thiện nguyện chúng tôi lại lập quỹ, trở lại tặng quà và dụng cụ học tập cho học sinh ở các bản làng heo hút như: Pa Cheo, Y Tí, Mường Hum, Pà Cò... Quỹ “Sa Pa ngày về” của nhóm đã thực hiện được trên 12 năm nay. 

* Dư luận vẫn chưa quên vụ một khách sạn 5 sao ở Sa Pa (Lào Cai) bị phát hiện đã treo hàng chục bức tranh khổ lớn trong CLB khách sạn, chép từ tác phẩm của anh. Vụ việc ấy đến đâu rồi?

* Lúc ấy, tôi thực sự rất sốc vì “những đứa con tinh thần” của mình bị xâm phạm... Phía khách sạn sau đó đã có thư xin lỗi tôi. Họ yêu cầu đơn vị thiết kế CLB và bên vẽ tranh tường giải trình, khẩn trương xử lý. Họ cho rằng, do sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế cùng sự thiếu trách nhiệm và không chuyên nghiệp của nhóm vẽ tranh đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Bên vẽ tranh đã nhận hoàn toàn trách nhiệm. Sau đó, họ yêu cầu bên vẽ tranh công khai xin lỗi tôi, đồng thời chỉ đạo tháo dỡ, xóa bỏ các tác phẩm tranh chép vi phạm. 

* Xuất thân từ dân đồ họa tạo hình, điều gì đã khiến anh rẽ sang sơn dầu và đặc biệt là màu nước?

* Trước đây, tôi thường vẽ acrylic, khắc gỗ và cả tranh gốm, nhưng về sau thì chuyển sang sơn dầu, tự tìm tòi và học thêm màu nước. Một phần vì thể trạng tôi có phần hạn chế, mắt và khớp không được khỏe lắm, nên sơn dầu hay màu nước sẽ giúp tôi chuyển tải thông điệp nhẹ nhàng hơn. Trong tương lai, tôi dự định sẽ thử sức và lấn sân sang lụa. Tôi cứ vẽ và vẽ, như một con thiêu thân vậy.

Họa sĩ Hà Hùng Dũng: Vẽ như mình hít thở mỗi ngày ảnh 2 Một tác phẩm về phụ nữ Tây Bắc của Hà Hùng Dũng tại triển lãm "Mơ"

* 19 năm gắn bó với nghệ thuật, đến nay, anh nghĩ mình thực sự sống được bằng nghề chưa?

* Tôi sống bằng nghề từ lúc bước chân vào đại học. Tôi đã từng làm rất nhiều việc, không nề hà bất cứ gì. Từ giữ trẻ, làm nhân viên bán hàng, phụ quán cà phê, sau làm đồ da handmade để bán, làm trang trí thiết kế… Hầu như mọi cay đắng, đau khổ tôi đều đã trải qua. Gia đình tôi xuất thân từ nông dân, từ bé tôi đã rất chịu thương chịu khó, buông cái này bắt cái nọ, làm mọi việc để kiếm sống, miễn là việc tử tế.

Sức khỏe tôi có thể không tốt như nhiều người, nhưng tinh thần tôi luôn mạnh mẽ, nghị lực tôi vượt qua tất cả. Còn nói về hiện tại, tôi tự đánh giá mình thành công chứ chưa thành đạt. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với những gì mình làm, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

Hà Hùng Dũng sinh năm 1980 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2006, là hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM. Từ năm 2010 đến nay, anh đã tham gia trên 30 cuộc triển lãm nhóm các tỉnh thành trong nước. Ngoài nhiều giải thưởng mỹ thuật, các tác phẩm của anh còn nằm trong bộ sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế. 

Tin cùng chuyên mục