Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn - Hành trình đầy đam mê với lụa

Hơn 10 năm qua, những điều mà Bùi Tiến Tuấn (ảnh) đã đam mê, sáng tạo với tranh lụa được xem như một cuộc cách tân, góp phần quan trọng giúp hồi sinh tranh lụa Việt Nam. 
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn - Hành trình đầy đam mê với lụa
Là một trong những tên tuổi gây ấn tượng với mỹ thuật đương đại Việt Nam bằng một phong cách riêng biệt, Bùi Tiến Tuấn còn là tên tuổi có hấp lực khá đặc biệt với thị trường, tác phẩm của anh được giới sưu tập trong nước và quốc tế ưa chuộng. Triển lãm cá nhân lần thứ 9 chủ đề Hơi thở nhẹ và giới thiệu sách nghệ thuật cùng tên của anh ra mắt giới nghệ thuật tại Eight gallery (số 8, Phùng Khắc Khoan, quận 1, TPHCM) ngày 14-4. 
Người phụ nữ đương đại trên tranh lụa Không giống với hình ảnh những người phụ nữ trong tranh lụa xưa, thường mang vẻ đẹp truyền thống với nét đằm thắm chân quê, nhẹ nhàng, nền nã; Bùi Tiến Tuấn chọn một góc nhìn khác - anh say mê với đề tài những cô gái chốn thị thành. “Tôi thích bắt nhịp một chút với đời sống hiện đại, với hơi thở gấp gáp, ồn ào, náo nhiệt của phố thị. Tôi thích vẽ những cô nàng gái quê lên phố, có chút kệch cỡm, có chút ngả ngớn, nhưng từ họ đã toát lên hơi thở của cuộc sống. Những cô gái thành thị thời trang, phù phiếm hay những cô nàng ta bắt gặp đâu đó ở quán bar, cà phê hay bi da… Họ một phần muốn thể hiện, phần khác chỉ cốt để làm duyên làm dáng, nghịch ngợm, bỡn cợt. Tôi đưa các cô gái vào tranh, cố gắng sao cho hợp với chất nhẹ nhàng và bềnh bồng, hư ảo của lụa”, anh chia sẻ.  Cũng thật lạ, ngắm những bức tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, người xem có những cung bậc cảm xúc và trải nghiệm khá thú vị. Anh khai thác đề tài người phụ nữ đương thời - phụ nữ chốn thị thành - với bố cục tình tứ nhưng mạnh mẽ. Trong tranh, anh đưa chủ thể chiếm không gian gần như tràn ngập, với cách cắt cúp cố tình phô diễn thân thể, bố cục theo trục ngang nhằm tạo sự lãng đãng trôi, phi trọng lượng. Sự tinh tế trong tranh Bùi Tiến Tuấn còn nằm ở tính ước lệ, đan xen từng nét màu, mảng, miếng... Tất cả nương vào nhau, dìu nhau qua sự uyển chuyển của từng nhịp điệu, tiết tấu. Chất liệu là ưu điểm, tác giả hiểu điều này để khai thác như chơi, mà lại thật trội về kỹ thuật và mỹ cảm của lụa… 
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn - Hành trình đầy đam mê với lụa ảnh 1 Bìa sách Hơi thở nhẹ
Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng nhận định: “Tranh của Bùi Tiến Tuấn có khả năng tạo được ấn tượng thị giác ngay lập tức, là do tính độc đáo về bố cục. Anh khá cầu toàn trong việc tìm bố cục cho tác phẩm, bao giờ anh cũng có nhiều bản phác thảo cho một bức tranh và lựa chọn được phương án tối ưu”. 
Quê ở Hội An, họa sĩ sinh năm 1971 này tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1998 và hiện đang là giảng viên của trường. Anh từng tham gia các triển lãm quốc tế tại gallery Combee Farm (Anh - 1999), Art Exhibition for World Peace (Seoul, Hàn Quốc - 2000), cùng nhiều triển lãm nhóm. Anh có tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và nhiều nhà sưu tập tư nhân. Trước đây, những cô gái thành thị từng xuất hiện trong các triển lãm của anh gồm: Những hình nhân trên đường phố (2007), Lụa (2009), Phù phiếm (2011, 2012, 2014), Sợi chỉ đỏ (2013). Năm 2017, Hơi thở nhẹ từng được giới thiệu tại Quảng Nam và lần này là tại TPHCM.Thêm hương sắc cho tranh lụa Việt Bùi Tiến Tuấn bộc bạch: “Hơi thở nhẹ xâu chuỗi lại quá trình thai nghén kéo dài. Tôi khước từ những ước lệ mang tính đa nghĩa, từ nhận diện hiện thực đến tư duy hình tượng. Việc đặt để hay khoác lên các chủ thể một hình ảnh chỉ là cái cớ, nhằm mở rộng tính tương tác, soi rọi vào bản chất thị dân của hoàn cảnh. Tôi vay mượn, tựa vào đó để một lần nữa phơi bày chất phù phiếm, hoặc gợi cảm, sức sống thanh tân.. Trên 20 năm lặng lẽ làm việc, suy ngẫm, kiếm tìm và hơn 10 năm cầm cọ chuyên nghiệp, anh đã tạo được cho mình một cõi giới nghệ thuật sinh động, có sức tỏa sáng bằng tranh lụa. Theo thời gian, những nét cọ của anh ngày một già dặn, trưởng thành hơn, nhưng lụa của Bùi Tiến Tuấn vẫn toát ra sự trong trẻo, ngọt ngào và bay bổng của một tâm hồn tài hoa. 10 năm nay, anh trở thành gương mặt vẽ tranh lụa đương đại được chú ý và thành công nhất. Trên thị trường hiện nay, lụa có khá nhiều xuất xứ, nhưng anh luôn ưu tiên lụa dệt truyền thống của Việt Nam, trong đó có lụa từ làng Mã Châu, tỉnh Quảng Nam. Nhận xét về tranh của anh, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nói: “Lụa của Bùi Tiến Tuấn mang lại một âm, một hương, một sắc khác cho tranh lụa đang héo úa ở nước ta”. Khác với chất liệu sơn dầu, sơn mài hiện đại, các họa sĩ không cần phác thảo vẫn có thể đưa trực tiếp ý tưởng, cảm xúc của mình lên toile hay vải mà không sợ hỏng. “Tranh lụa không sửa đi sửa lại được. Nghiền ngẫm cẩn thận và làm đi, làm lại phác thảo để cho ra một tác phẩm bay bổng, nhẹ nhàng. Lâu lắm rồi, mới lại thấy một họa sĩ làm việc thận trọng, nghiêm túc và chuyên nghiệp như Bùi Tiến Tuấn. Tạo hình những đường viền tinh tế, mềm mại, những mảng màu đặt đúng chỗ, chỉ có thể là kết quả của một sự nghiền ngẫm chín chắn cộng với bút pháp điêu luyện”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định.  Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long thì cho rằng: “Tôi thích tranh lụa của Tuấn. Xem chúng, mắt ta luôn bị những đường nét thanh tú và gợi cảm của các vẻ đẹp nữ đang độ xuân thì hoặc từng trải, nhưng rất thu hút. Bố cục khá độc đáo, thân mật, thường là cận cảnh, tạo tình cảm gần gũi không ranh giới. Hòa sắc êm ả, không màu mè và luôn có điểm nhấn thi vị. Anh thành công trong việc tạo dựng được bầu không khí trữ tình ám ảnh mọi cảnh huống, mọi cử chỉ, đó là điều hiếm gặp ở các họa sĩ ta hiện nay. Hơn nữa, lối dụng bút với nét mảnh vờn chủ đạo, mảng hình thể lớn, khi tròn trịa, lúc mảnh mai và rất “rung” của Tuấn cũng đạt tới độ cao thủ...
 Cuốn sách nghệ thuật Hơi thở nhẹ có nội dung nhìn lại hành trình 10 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (2007-2017) của Bùi Tiến Tuấn, bắt đầu từ thuở ấu thơ, với ước mơ được vẽ và vẽ. Sách gồm bài viết của nhiều tác giả uy tín, giới thiệu tác phẩm trên nhiều chất liệu của Bùi Tiến Tuấn như lụa, giấy dó, sơn mài, sơn dầu, phác thảo; hình ảnh làm việc từ xưởng vẽ ra ngoài xã hội, từ trường về nhà. Đặc biệt, sách “bật mí” tác phẩm thuộc các bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng. Sách dày 200 trang, do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2018.

Tin cùng chuyên mục