“Hoa mắt” với danh mục sản phẩm mứt tết

Theo quan sát tình hình kinh doanh mặt hàng mứt ở các chợ trên địa bàn TPHCM, bên cạnh các mặt hàng bánh kẹo, nhóm sản phẩm mứt cũng khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, hương vị. Cùng một loại nguyên liệu nhưng được nhà sản xuất chế biến ra thành nhiều sản phẩm khác nhau. 
Nhiều sản phẩm mứt cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
Nhiều sản phẩm mứt cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng

Người tiêu dùng dễ dàng mua sắm các loại mứt sử dụng trong ngày tết, khi thị trường ngày càng phong phú về chủng loại. Đơn cử như, từ nguyên liệu gừng sẽ có mứt gừng miếng, mứt gừng dẻo, mứt gừng nguyên củ, mứt gừng chuối; hay như chỉ với nguyên liệu dừa, người tiêu dùng có thể chọn mua loại mứt dừa hình dáng truyền thống là sợi bào mỏng, tiếp đó có dừa tăm, dừa miếng và năm nay có thêm sản phẩm dừa cục. 

Không chỉ có các sản phẩm mứt sản xuất trong nước, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước Trung Đông. Tuy nhiên, các sản phẩm bánh mứt của Việt Nam vẫn được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn vì hợp khẩu vị và giá cả cạnh tranh. 

Ngày nay, đời sống của người dân đã khấm khá hơn. Mùa tết đến, các đơn vị sản xuất bánh mứt tết lại đẩy mạnh sản xuất. Các nhóm sản phẩm truyền thống như mứt dừa, mứt bí, mứt khoai lang, mứt gừng, mứt mãng cầu, mứt me... vốn vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi chúng mang đậm hương vị cổ truyền của ngày tết.

Trên thị trường, ngày càng nhiều loại mứt mới lạ, được chế biến từ nhiều nguyên liệu củ quả của các địa phương trên cả nước đưa vào các siêu thị, chợ, cửa hàng. Theo ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart và một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như Bình Tây, An Đông…, các loại mứt trái cây như xoài, thơm, tắc, me, chuối, khoai lang, táo, sơ ri, vỏ bưởi, đu đủ, cà rốt, củ sen được bày bán nhiều. Tiếp đó là các loại mứt quả như mứt mận, mứt mơ, táo, hồng khô, cà chua, dâu tây, nho khô, vải khô, kiwi, thơm; cùng các loại mứt đậu như đậu trắng, đậu ngự, hạt sen.   

Về giá cả, so với năm ngoái, có phần rẻ hơn. Điển hình như mứt trái cây xoài, thơm, tắc, me, chuối... bán tại chợ An Đông với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Một số mặt hàng còn giảm giá so với tết năm ngoái như mứt mãng cầu từ 400.000 đồng/kg giảm xuống còn 350.000 đồng/kg, hạt điều từ 300.000 đồng/kg giảm còn 260.000 đồng/kg, hạnh nhân từ 400.000 đồng/kg xuống còn 380.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, các sản phẩm mứt được bày bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hệ thống Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opFood) còn có giá tốt hơn do áp dụng chương trìnhh khuyến mãi giảm giá và bình ổn giá. 

Ngoài ra, những năm gần đây, người tiêu dùng còn chuộng các loại mứt làm dạng thủ công do các cá nhân, gia đình cung cấp, bởi nhiều người lo ngại về tính an toàn của các sản phẩm mứt làm theo quy trình công nghiệp. So với mứt bán đại trà trên thị trường, các sản phẩm mứt làm theo hình thức thủ công truyền thống có giá cao hơn hẳn; như món mứt dừa được chế biến từ nguyên liệu cơm dừa non có giá bán 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Dù giá khá cao, nhưng bù lại, chất lượng của các sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, bởi hương vị của nguyên liệu tự nhiên, màu sắc thật, do người sản xuất sử dụng các loại màu tự nhiên vốn là nước cốt của các loại rau củ như cà rốt, củ dền, lá dứa, lá cẩm. 

Cẩn trọng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tuy nhiên, theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn mua hàng. Theo đó, nên tìm hiểu kỹ các thông tin về người bán để tránh mua lầm phải hàng công nghiệp gắn mác hàng Việt, hàng nhập khẩu hay hàng “nhà làm”. Đối với hàng Việt, hàng nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường phân phối tại các kênh hiện đại do điều kiện bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng với sản phẩm do nhà làm, khó có thể đạt độ bắt mắt về hình dáng lẫn màu sắc như hàng công nghiệp. Ngay cả mùi hương cũng không sánh được. Do đó, nếu không xác định được rõ nguồn gốc và người làm thì nên hạn chế sử dụng.  

Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết thêm, hiện tại, trong nước chỉ mới sản xuất được các loại mứt truyền thống và loại có nguyên liệu tại chỗ. Còn lại những loại mứt vốn không phải là trái cây trồng trong nước đều đang phải nhập khẩu. Điển hình như mứt kiwi, mứt táo nguyên quả (bom) màu vàng óng, mứt nho khô... đều là hàng nhập khẩu. Các loại mứt sản xuất trong nước nếu theo quy trình truyền thống thì thời gian bảo quản rất ngắn. Do đó, người tiêu dùng cần xem kỹ các thông tin về sản phẩm, đơn vị nhập khẩu để đảm bảo về an toàn chất lượng của sản phẩm, bảo vệ sức khỏe tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục