Hòa giải cơ sở tốt giúp tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 13-7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”.
Hòa giải cơ sở tốt giúp tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và đại biểu ở 63 điểm cầu địa phương trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ, hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, vừa là nhu cầu khách quan, vừa là chủ quan, tất yếu trong cuộc sống, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tăng cường “tình làng nghĩa xóm”. Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của MTTQVN, ngành tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Điều này không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần giữ bình yên, ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua và khẳng định, chủ trương, lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải là đúng đắn và rất cần thiết, góp phần giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, giữ gìn đoàn kết, ổn định, đồng thuận xã hội.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trung bình mỗi năm các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ việc. Công tác hòa giải qua 6 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; đề nghị MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp cùng cấp trong thực hiện công tác này.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao cho rằng, thực chất hòa giải tại tòa án chính là công tác dân vận. Để thiết chế hòa giải tại tòa án cũng như hòa giải ở cơ sở, hòa giải trong tố tụng thành công, trách nhiệm và tấm lòng của các hòa giải viên là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Phó Thủ tướng nêu rõ, chủ đề của năm 2020 là “Năm dân vận khéo”; để làm “khéo” được, chính quyền các cấp cần nắm chắc quy định của pháp luật; thực hiện tốt trong việc áp dụng, diễn giải, xử lý theo quy định pháp luật...

Tin cùng chuyên mục