Hỗ trợ sáng tác VHNT: Không chỉ là rót tiền!

Hỗ trợ đầu tư cho sáng tác là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nằm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. 
Các nghệ sĩ tham quan hầm Thượng tướng Trần Văn Trà trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968
Các nghệ sĩ tham quan hầm Thượng tướng Trần Văn Trà trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968
Tuy nhiên việc đầu tư cho sáng tác, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn được xem là một vấn đề nhạy cảm với người sáng tác.
Chủ động nguồn kinh phí

Nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), Thành ủy và UBND TPHCM đã chỉ đạo Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM (gọi tắt là Liên hiệp) lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân sự kiện này. Một trong các hoạt động đó là chương trình triển lãm nghệ thuật sắp đặt mang tên Bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968. Đây là một loại hình nghệ thuật tương đối mới, chưa được phổ biến nhiều ở TPHCM, đặc biệt là hầu như chưa được áp dụng nhiều trong các hoạt động mang tính truyền thống cách mạng. Loại hình nghệ thuật sắp đặt ở TP hiện chủ yếu phát triển ở các nghệ sĩ trẻ, chính vì vậy Liên hiệp đã mời 5 nhóm tác giả trẻ tham gia gồm CLB Họa sĩ trẻ, nhóm điêu khắc trẻ (Hội Mỹ thuật TP), nhóm sinh viên các trường Đại học (ĐH) Mỹ thuật TP, ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Lang. 

Theo bà Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP thì các nghệ sĩ trẻ có ưu điểm nhanh nhạy, nhiều sáng tạo nhưng lại có nhược điểm là chưa có nhiều am hiểu về lịch sử. Chính vì vậy, Liên hiệp đã xây dựng một kế hoạch hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ như tổ chức đưa tham quan 6 địa điểm di tích nổi bật trong chiến dịch Mậu Thân ở TPHCM. Tại mỗi địa điểm, ban tổ chức mời một, hai nhân chứng lịch sử cùng với các giáo sư lịch sử đến để giao lưu với các nghệ sĩ. Bên cạnh các điều kiện kiến thức đó, Liên hiệp còn đầu tư cho mỗi nhóm tác giả 50 triệu đồng để hỗ trợ việc sáng tác ban đầu. 

Từ những trải nghiệm bài học lịch sử đó, vừa qua các nhóm đã trình nhiều mô hình sắp đặt. Trong đó có một số mô hình gây ấn tượng như của CLB họa sĩ trẻ với hình ảnh cánh đồng đầy lá dứa xoáy thành vòng tròn, một vệt máu hoa đỏ cùng ánh đèn trực thăng nhấp nháy hay một nhóm khác dùng dây thừng tái hiện hình ảnh TP… Chính nhờ việc có sự đầu tư tốt cả về kiến thức và kinh phí, mô hình của nhiều nhóm đã thành hình cụ thể để từ đó có thể dễ dàng đánh giá, xây dựng.

Cũng nằm trong hoạt động chuẩn bị kỷ niệm Mậu Thân, Liên hiệp đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cuối cùng để giới thiệu hai vở kịch trong dịp này. Một vở đã hoàn tất khâu kịch bản, chỉ còn chờ góp ý chỉnh sửa. Vở còn lại có nhan đề Bức chân dung huyền thoại đã hoàn tất các khâu góp ý, chỉnh sửa, chỉ còn chờ công diễn. Điều đáng nói là kinh phí để tổ chức bản thảo, hỗ trợ sáng tác của cả hai vở lấy từ dự toán được lập từ năm 2015, nhận hỗ trợ năm 2016 và triển khai vào đầu năm 2017. Bà Tú Lệ cho biết, đây là một kinh nghiệm từ trước, nếu cứ bị động chờ kinh phí đúng theo kế hoạch thì sẽ không kịp thời gian chuẩn bị mà đòi hỏi phải chủ động lên kế hoạch dài hơi rồi sử dụng kinh phí mới có thể hiệu quả.

Hỗ trợ sáng tác không đơn giản

Một trong những hoạt động đầu tiên của Ban văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM là kêu gọi hỗ trợ đầu tư theo dạng xã hội hóa nhằm tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác cho các cây bút trẻ. Thành quả của hoạt động này là một số tiền khiêm tốn thu được nhờ việc bán đấu giá độc bản tuyển tập sáng tác làm bằng thủ công có kích thước lớn của các cây bút trẻ tại Ngày thơ TPHCM. Số tiền đó đã được dùng để xuất bản hai tập thơ Quen và lạ của Trần Võ Thành Văn và Nốt lặng của Ngô Thúy Nga, hai cây bút còn rất trẻ đang sống và làm việc tại TPHCM. Điều đáng nói là cả hai đều không phải là hội viên Hội Nhà văn TP. Tập thơ Nốt lặng sau đó đã được nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TP dành cho tác giả trẻ. Nếu không có sự hỗ trợ sáng tác, hai tập thơ đã khó có cơ hội xuất hiện và dĩ nhiên cũng không có cơ hội nhận được sự đánh giá của bạn đọc cùng giới chuyên môn.

Đầu tư sáng tác cũng không đơn giản là việc cấp kinh phí cho tác giả. Đầu tư cho sáng tác văn học thường được đánh giá là đơn giản nhất bởi so với các loại hình như sân khấu, điện ảnh, điêu khắc… thì xuất bản sách vẫn được xem là nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, không thiếu trường hợp nộp đề cương để hợp thức hóa việc nhận hỗ trợ sáng tác nhưng mãi mà vẫn chẳng thấy tác phẩm đâu. Việc sáng tác vốn là một vấn đề cá nhân nên hội cũng chẳng thể làm gì hơn là chờ đợi, nhắc nhở. Chính vì vậy, khi đầu tư cho sáng tác ở các hội, người ta thường chọn tác giả nổi tiếng bởi nếu có gì thì vẫn dễ để giải thích, biện minh.

Cũng vì thế, việc đầu tư cho các tác giả trẻ cũng trở thành trăn trở lâu nay của các hội. Với Ban văn trẻ Hội Nhà văn, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban, cho biết để kiếm đủ khoảng 50 triệu đồng mỗi năm cho việc hỗ trợ không khó khi có rất nhiều mạnh thường quân sẵn lòng giúp đỡ. Cái khó là làm sao có hiệu quả và cách mà ban văn trẻ lựa chọn không phải theo mô hình xét đề cương mà là dựa trên bản thảo hoàn chỉnh. Trên thực tế, ban văn trẻ cũng không gọi đây là hỗ trợ sáng tác mà là hỗ trợ in ấn, xuất bản. Nhà thơ trẻ Ngô Thúy Nga tâm sự, người viết trẻ luôn đầy nhiệt huyết, nhiệt tình viết nhưng rào cản về tài chính trong việc xuất bản đã làm nản lòng không ít người, khi đó một nguồn hỗ trợ xuất bản sẽ mang lại niềm phấn khích cho người viết.

Để đầu tư mang lại hiệu quả


Cách làm của ban văn trẻ thực ra không lạ, trước thực tế các quỹ hỗ trợ sáng tác không phát huy hiệu quả như mong muốn, nhà văn Chu Lai từng đề xuất bỏ việc xét hỗ trợ qua đề cương. Theo ông, những người sáng tác đều là các cây bút giỏi, chỉ cần một đêm họ có thể sáng tác dăm bản đề cương để nộp, nhưng tác phẩm hoàn chỉnh thì chưa biết đến bao giờ. Ông đề xuất kinh phí hỗ trợ sẽ trao cho tác phẩm hoàn chỉnh, khi đó các đánh giá, nhận xét sẽ trực quan hơn, ít điều tiếng hơn.

Một hình thức đầu tư khác là tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác và tham gia các trại sáng tác. Đã có không ít đánh giá trái chiều về các hoạt động này như cho rằng đi trại sáng tác là để nghỉ ngơi an dưỡng, đi thực tế là đi du lịch… Không thể phủ nhận bên cạnh một số vấn đề chưa phù hợp, các trại sáng tác đã góp phần không nhỏ đối với việc sáng tác của các tác giả. Như với trường hợp các tác phẩm dự kiến góp mặt chương trình kỷ niệm 50 năm Mậu Thân, chính tại trại sáng tác do Liên hiệp tổ chức, các tác giả có dịp ngồi thảo luận với nhau về tác phẩm của mình, cùng đóng góp, xây dựng để hoàn thiện tác phẩm.
Với vấn đề đi thực tế, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP đã truyền kinh nghiệm cho các tác giả trẻ trong một chuyến đi đến khu công nghiệp rằng chuyến đi chỉ một, hai ngày thì sẽ không đủ để hiểu, để biết mà sáng tác nhưng nó giúp gợi ra những ý tưởng, phương hướng cho người viết. Còn sau đó làm thế nào để có được tư liệu, chất liệu sáng tác thì phải dựa vào chính bản thân mỗi tác giả. 

Tin cùng chuyên mục