Hỗ trợ người lao động

Nhằm ứng phó với tác động không mong muốn lên thị trường lao động do căng thẳng Nga - Ukraine, Chính phủ Đức cam kết tiếp tục mở rộng kế hoạch Kurzarbeit (trợ cấp việc làm ngắn hạn). 

Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Hubertus Heil khẳng định, nếu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, Đức sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung cho kế hoạch Kurzarbeit. Mục đích là tiếp tục giữ cho thị trường lao động phát triển mạnh mẽ và ổn định trong suốt những giai đoạn khó khăn.

Kurzarbeit là công cụ giúp ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt. Theo đó, người lao động sẽ ở nhà hoặc bị cắt giảm đáng kể giờ làm việc, nhưng họ vẫn được coi là nhân viên chính thức và nhận 2/3 tiền lương từ ngân sách nhà nước. Như vậy, người lao động được nhận tiền lương ngay cả khi không làm việc. Trong khi đó, công ty cũng không chịu gánh nặng quá lớn về chi phí lao động trong thời kỳ kinh tế căng thẳng.

Với truyền thống tiết kiệm tiền mặt trong những năm kinh tế ổn định, Đức đủ mọi điều kiện để triển khai quỹ hỗ trợ cho kế hoạch Kurzarbeit. Kể từ năm 2020, 44,1 tỷ EUR (hơn 40 tỷ USD) đã được dùng để chi trả cho Kurzarbeit, trong đó 26 tỷ EUR (28,3 tỷ USD) được trích từ nguồn dự trữ của Cơ quan Việc làm Đức (BA). Thông qua Kurzarbeit, chính phủ đã ngăn chặn được tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt do Covid-19 gây ra. Lufthansa, BMW, Volkswagen và Daimler là những tập đoàn lớn đã sử dụng kế hoạch Kurzarbeit để giữ chân các nhân viên lành nghề trong đại dịch. 

BA dự báo trong năm 2022, sẽ có khoảng 590.000 công nhân làm việc ít thời gian hơn. Con số này chiếm khoảng 10% số công nhân hưởng Kurzarbeit hồi năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát mạnh tại Đức. Đỉnh điểm, đã có lúc Đức ghi nhận đến 6 triệu người phải giảm giờ làm việc.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Chính phủ Đức đã mở rộng kế hoạch Kurzarbeit, hỗ trợ người lao động làm việc tạm thời như một phương tiện duy trì chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru. Mặc dù Đức vẫn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 1,5% trong năm nay, nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc liệu nguồn cung năng lượng có bị ảnh hưởng không. Bộ Lao động và Xã hội Đức cho biết sẽ làm hết sức trong phạm vi của mình để đảm bảo rằng những hậu quả tác động lên thị trường lao động nước này ở mức thấp nhất.

Tin cùng chuyên mục