Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Nước ta đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, nên có rất nhiều người bị khuyết tật do bị thương vì bom đạn, nhiễm chất độc da cam, bị địch tra tấn... Có nhiều người ra đời sau năm 1975 cũng bị khuyết tật, do bố mẹ từng bị phơi nhiễm chất độc da cam. 
Một cơ sở hỗ trợ người khuyết tật sản xuất thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật Thừa Thiên- Huế
Một cơ sở hỗ trợ người khuyết tật sản xuất thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật Thừa Thiên- Huế
Ngoài ra còn có nhiều người bị dị tật bẩm sinh, hoặc bị tàn tật do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song nhìn chung thì những mất mát, khó khăn của người khuyết tật vẫn khó bù đắp cho đủ.

Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, cơ quan chức năng ở nước ta đã tiến hành một số cuộc điều tra, khảo sát về vấn đề người khuyết tật. Các cuộc điều tra này có quy mô hạn hẹp, chỉ phục vụ cho mục đích thực hiện các nhiệm vụ hoặc yêu cầu cụ thể của ngành hay địa phương. Đó là chưa kể đến sự thiếu nhất quán, không rõ ràng ngay từ những khái niệm, định nghĩa, cho tới các tiêu chí phân loại, các tiêu chí đánh giá, nội dung và phương thức tiến hành của các cuộc khảo sát về vấn đề người khuyết tật. Do vậy, số liệu còn thiếu, hoặc trùng lặp, các kết quả điều tra khảo sát chưa phản ánh đầy đủ về hiện trạng vấn đề người khuyết tật Việt Nam, nhiều số liệu khác biệt nhau quá lớn và không thể so sánh với nhau được. Rất cần có cuộc điều tra xã hội học trên quy mô cả nước, để có đầy đủ cơ sở chăm lo về chính sách xã hội, về chăm sóc y tế, về tổ chức các trung tâm bảo trợ xã hội, trường dạy nghề và đơn vị sản xuất dành cho người khuyết tật.

Bảo vệ, chăm sóc, quan tâm và giúp cho người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh, hòa nhập cộng đồng là những hoạt động có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, là truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống, việc tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật là rất cần thiết, giúp họ có việc làm ổn định để cải thiện mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người khuyết tật cũng cần được quan tâm chu đáo. Những việc làm này không thể một tổ chức, một số cá nhân có lòng hảo tâm làm được, mà cần phải có sự quan tâm đầy trách nhiệm của tất cả cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục