Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn: Làm sao để đúng và đủ?

“Không nên chỉ nhìn vào một vài trường hợp hãn hữu, cá biệt do làm thêm các công việc khác và có tài sản để đánh đồng với số đông nghệ sĩ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Điều đó không chính xác và chưa công bằng”, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL chia sẻ. Nghệ sĩ có cần được hỗ trợ, là câu hỏi đặt ra lúc này.

Khó khăn là có thật

Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, nghệ sĩ các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gặp nhiều khó khăn, kể cả về nguồn nhân lực. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, với nghệ thuật tuồng, nhiều năm trở lại đây, để tìm được nghệ sĩ tài năng, chuyên tâm gắn bó lâu dài với nghề đã không dễ. Riêng Nhà hát Tuồng Việt Nam, đợt dịch này, đơn vị đề xuất hỗ trợ 50 trường hợp và phần lớn nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ.

“Nghệ sĩ tuồng có mức thu nhập không cao, không có nhiều tiền tích lũy. Nếu chỉ dựa vào hơn 3 triệu đồng/tháng mà sống ở Hà Nội lúc này, phải chi trả nhiều khoản, từ tiền ở trọ, tiền điện, tiền nước, họ rất khó xoay xở”, ông Phạm Ngọc Tuấn khẳng định.

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cũng cho rằng, chủ trương hỗ trợ cho đối tượng nghệ sĩ thuộc Nghị quyết số 68/NQ-CP, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nghệ sĩ. Nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập là những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cũng là mức lương thấp nhất trong bảng lương viên chức. Sự hỗ trợ này phần nào giúp cho nghệ sĩ vững tâm hơn với nghề.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn: Làm sao để đúng và đủ? ảnh 1 Nghệ sĩ hát bội TPHCM nhiều tháng qua không có suất diễn, đời sống bấp bênh, rất cần được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Theo NSND Triệu Trung Kiên, việc nắm bắt cụ thể đối với từng hoàn cảnh thì phải do phía đơn vị nghệ thuật đưa lên. “Tôi tin rằng với những người chưa thật sự khó khăn, họ cũng sẽ không nhận hỗ trợ, hoặc sẽ nhường lại cho những trường hợp khó khăn hơn, hay tìm cách ủng hộ qua các quỹ phòng chống dịch”, NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.

Tại TPHCM, ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, cho biết: “Cách nay khoảng 3 tuần, có 27/30 nghệ sĩ của nhà hát đã nhận được gói hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người, dành cho đối tượng nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn nghệ thuật hạng IV (trình độ trung cấp trở xuống, bậc lương thấp). Để có một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh là sự chung sức của rất nhiều người, ngoài nghệ sĩ còn nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hậu đài, kể cả nhân viên hành chính… Họ cũng có đời sống khó khăn, lương thấp, nhưng không nhận được sự hỗ trợ”, ông Hoàng Vũ cho hay.

Không chỉ có nghệ sĩ trong biên chế, NSƯT Lê Tứ cho rằng, còn có rất nhiều nghệ sĩ tự do, anh em công nhân hậu đài nghèo, phải ở nhà thuê, sống bằng thu nhập các suất diễn, họ và gia đình đang rất khốn khổ, cần hỗ trợ họ để sau khi hết dịch, lực lượng này sẽ tiếp tục làm nghề và đóng góp cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của thành phố.

Chính sách đúng, vận dụng phải đúng

Về việc một số trường hợp nghệ sĩ được cho là có điều kiện, thậm chí dư dả, có tên trong danh sách được hỗ trợ khó khăn do Sở VH-TT Hà Nội đề xuất, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cũng khẳng định: “Những cái tên này là rất nhỏ trong số hàng ngàn diễn viên hạng IV trên cả nước đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thủ tục hướng dẫn đã nêu rõ việc các đơn vị sử dụng lao động cần xác định và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định để sát với thực tế. Cá nhân nghệ sĩ có cuộc sống ra sao và cần hỗ trợ hay không thì người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật hiểu rõ nhất. Họ sẽ phải có kiến nghị đề xuất cho sát với thực tế và trước khi ra danh sách thông báo cần trao đổi với người được hưởng chế độ”.

Đối với trường hợp những người đang lao động nghệ thuật gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ đợt này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, bộ sẽ nghiên cứu phối hợp với các bộ ngành liên quan để xem xét đề xuất thêm.

Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn: Làm sao để đúng và đủ? ảnh 2 Những nghệ sĩ trẻ Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM trong những ngày còn suất diễn, trước khi dịch bùng phát. Ảnh: THÚY BÌNH

“Trên cơ sở một số ý kiến báo chí phản ảnh vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tham mưu lãnh đạo bộ ban hành văn bản gửi tất cả các đơn vị nghệ thuật và các sở thuộc các tỉnh, thành phố khi rà soát các đối tượng để thực hiện hỗ trợ cần thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng và không áp dụng cứng nhắc, máy móc để việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và được tập thể đơn vị đồng tình”, ông Lê Minh Tuấn cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, chính sách hỗ trợ cho người lao động là một trong những chính an sinh xã hội cần thiết để kịp thời hỗ trợ, động viên người lao động an tâm cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, không riêng gì Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia đều dùng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ này. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cũng được các đơn vị nghệ thuật linh hoạt, sáng tạo góp phần cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng cho rằng, thực tiễn cuộc sống là thước đo cao nhất của chính sách. “Sự quan liêu của các cơ quan hành chính thể hiện ở chỗ, họ cứ lên danh sách lương thấp đẩy lên trên mà không biết có người lương thấp mà thu nhập cao. Nhà hát có thể đã không để ý lắm đến việc trợ cấp, họ bê nguyên danh sách diễn viên bậc lương hạng IV mà không biết đó là chính sách cho người nghèo, gặp khó khăn chứ không phải chuyện hạng IV”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, khi đã có định hướng chính sách đúng thì cần làm cho việc thực hiện chính sách này thực sự có hiệu quả. Nếu được như vậy thì không chỉ hỗ trợ được những người gặp khó khăn, mà quan trọng hơn còn thể hiện được tính đúng đắn, kịp thời trong chủ trương của Đảng và Chính phủ, tạo niềm tin cho nghệ sĩ nói riêng và đông đảo nhân dân nói chung.

Theo NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, thời gian qua đã có 139 nghệ sĩ nhận mức hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người. Một số viên chức, nghệ sĩ, người lao động gặp khó khăn không thuộc đối tượng theo quy định thì được các đơn vị nghệ thuật và công đoàn sở chăm lo bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trong tháng 8-2021 đã hỗ trợ 175 phần quà gồm tiền mặt, gạo, trứng, nhu yếu phẩm, rau củ quả được chuyển đến các trường hợp khó khăn, trong đó có 65 trường hợp F0, F1 đang cách ly tại nhà và trong các khu phong tỏa, có nhiều trường hợp là hậu đài phục vụ tại các nhà hát, đơn vị nghệ thuật. “Để không trông chờ vào các gói hỗ trợ, chúng tôi tìm nhiều nguồn trợ giúp anh em khó khăn, chứ không chỉ ngồi đợi”, NSƯT Thanh Thúy nói.

Tin cùng chuyên mục