Hỗ trợ không chỉ nằm trên bàn giấy

Diễn biến mới của dịch Covid-19 có thể coi là đòn mạnh giáng xuống các doanh nghiệp (DN) vận tải - vốn đang chật vật cầm cự hơn 1 năm qua. Theo ghi nhận từ các hiệp hội vận tải, hầu hết DN vận tải hành khách đang tiếp tục cắt giảm nhân công, tìm cách bán bớt phương tiện, thu hẹp hoạt động. 

Tại các địa phương đang có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội..., nhiều DN đã giảm đến 80% phương tiện xuất bến, một số đơn vị gần như dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn lao động bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện các DN chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu giảm tương ứng 50%-70%. Đáng lo, có những DN có số đầu xe lớn, con số lỗ tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, họ vẫn phải oằn lưng gánh chi phí lãi ngân hàng, khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa... để đợi hết dịch mới có xe hoạt động. 

Khó khăn là vậy nhưng theo phản ánh, DN chưa thể tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Nguyên do, họ không thực hiện được các thủ tục để xin hỗ trợ, không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra như phải chứng minh DN đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc... Một số ngân hàng đồng ý cho DN vay vốn để trả lương nhưng lại yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Với các DN vận tải, tài sản thế chấp là ô tô nhưng hầu hết phương tiện đã cũ nên ngân hàng định giá rất thấp, nhiều khi không đủ điều kiện để vay. Phương án giảm lãi vay, giãn nợ cho các DN cũng chưa được thực hiện, thậm chí có DN phản ánh nhiều lần đề nghị ngân hàng đến thẩm định tình hình kinh doanh, kiểm tra tài sản để chia sẻ khó khăn nhưng không nhận được phản hồi.
Theo nguyện vọng của các DN, các gói hỗ trợ đã có nhưng các chính sách thực hiện cần rõ ràng, phù hợp với thực trạng. DN đang cần vay với lãi suất ưu đãi để nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất. Các DN cũng cần miễn thuế VAT và thuế thu nhập DN, giảm lãi suất vay 50% và giãn thời gian trả nợ gốc... để có điều kiện phục hồi. Nhưng điều quan trọng hơn là, các thủ tục để hưởng hỗ trợ cần dễ thực thi hơn. Trên thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các DN đã rất rõ ràng, thể hiện rõ trên các báo cáo tài chính thường kỳ của họ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các điều kiện hưởng hỗ trợ lượng hóa theo thang bậc. Cụ thể, mức hỗ trợ sẽ được phân theo từng nhóm quy mô DN, theo từng mức độ thiệt hại căn cứ vào số liệu đã được cáo bạch. Các cơ quan quản lý cũng nên khẩn trương thẩm định khi có yêu cầu từ phía DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN được hưởng hỗ trợ kịp thời. 
Hoạt động vận tải luôn tác động rất lớn đến nền kinh tế, gắn liền với việc đi lại của người dân, nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Mục tiêu của những gói hỗ trợ từ Chính phủ chính là để tiếp sức cho DN duy trì, sẵn sàng phục hồi ngay khi hết dịch. Nếu cứ để hỗ trợ nằm trên giấy khiến nhiều DN yếu đến mức không gượng lại được sau dịch, e rằng hệ lụy sẽ là không nhỏ!

Tin cùng chuyên mục