Hỗ trợ công trình xanh

Tốc độ đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam đang đứng trước sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về năng lượng. Trong khi đó, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong xây dựng các tòa nhà, công trình đến nay hầu như vẫn chưa được quan tâm.

Mặc dù công trình xanh (CTX) có nhiều lợi ích đối với môi trường sống của con người nhưng tại Việt Nam, hiện số lượng công trình xanh khá hạn chế, có chưa đầy 100 công trình được “chứng nhận xanh”. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân CTX chưa thực sự phát triển là do chưa có sự hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ, mới chỉ ở mức độ khuyến khích. Khuyến khích thì mạnh ai nấy làm nên chưa có sự hiệu quả đồng bộ… 

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet, chỉ ra 3 lý do chính khiến CTX còn ít là chi phí cao, chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Để phát triển được nhiều dự án bất động sản xanh tại Việt Nam, theo ông Quang, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ như không tính phần ban công, diện tích xanh trên cao vào tổng diện tích căn hộ của chủ đầu tư. Trước đây, phần ban công được tính cả vào diện tích nên diện tích căn hộ ngày cảng nhỏ lại. Có ban công sẽ giải quyết được nhiều thứ, trong đó có khoảng không làm mảng xanh”. Ông Đỗ Hữu Nhật Quang đề xuất, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản xanh, nếu không sẽ lỡ nhịp “chuyến tàu xanh”. Nếu cứ tiếp tục phát triển các dự án như hiên nay, thì 10 - 20 năm nữa sẽ không còn chỗ để làm CTX, bởi lẽ triển khai CTX ngay từ đầu thì dễ, còn nếu từ đầu chưa làm thì sau đó sửa lại rất khó. 

Tương tự, ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho rằng CTX là xu hướng tất yếu và đang phát triển rất mạnh mẽ trong khu vực, cũng như trên thế giới khi đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời, được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của công trình xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, việc chỉ khuyến khích phát triển CTX thì không có kết quả cao mà cần phải có chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ. Ông Hoàng Tùng nhận định, một mình doanh nghiệp không thể  làm được, nếu không có sự phối hợp của  chính quyền và người dân.

Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, đặc biệt ở các thành phố lớn của nước ta, bên cạnh đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đông đảo người dân thì hệ lụy kéo theo cũng không hề nhỏ. Đó chính là sự mất cân bằng sinh thái, đe dọa đến môi trường sống của con người. Vì vậy, phát triển CTX đang được xem là hướng đi tất yếu của nhiều nước hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, để phát triển CTX ở Việt Nam chúng ta không dừng lại ở việc khuyến khích, tự nguyện mà cần phải có quy định bắt buộc các chủ đầu tư cam kết thực hiện. Để các chủ đầu tư mặn mà hơn với xu hướng này, Chính phủ cần có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để chung tay với các đơn vị. Chẳng hạn như có những ưu đãi về vốn vay đối với doanh nghiệp phát triển nguồn nguyên liệu để có nguyên liệu ở trong nước; từ đó, doanh nghiệp xây dựng có thể dùng vật liệu sản xuất trong nước, giảm chi phí... Về phía khách hàng và người tiêu dùng, có thể ưu đãi đóng thuế thu nhập thấp nếu họ mua CTX,  thay vì mua sản phẩm bình thường. Cũng cần ưu đãi phần nào thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án CTX.

Tin cùng chuyên mục