Hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân, hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; theo đó sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm

Kết luận cuộc tọa đàm được tổ chức tại Nhà Quốc hội sáng nay 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với các chuyên gia về sự cần thiết tiếp tục giãn cách và có hạn chế di chuyển “một cách thông minh hơn”, áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động.

Ông cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; theo đó sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, triển vọng kinh tế toàn cầu đang có sự phân hóa sâu sắc. Nhóm các nước phục hồi mạnh, là những nước phát triển, chủ động được nguồn cung vaccine, đã đạt được miễn dịch cộng đồng và có tiềm lực kinh tế để thực hiện các gói chính sách hỗ trợ quy mô lớn, có những nước đã thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” cả về tài chính và tiền tệ.

Nhóm thứ hai là các nước phục hồi chậm, có thể đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, chủ yếu là các nước đang phát triển, các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam do chưa chủ động được vaccine, quy mô, thực lực của nền kinh tế còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế này càng cho thấy phải thực hiện cơ chế chia sẻ vaccine công bằng, bình đẳng trên phạm vi toàn cầu cho các nước nghèo hơn, khó khăn hơn.

Tóm tắt lại các vấn đề cốt lõi được các chuyên gia nêu ra tại toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm tiếp tục kiên định “mục tiêu kép”, nhưng có ưu tiên về thời điểm, địa bàn cụ thể đối với phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

“Chúng ta vẫn đang đi theo đúng quan điểm này. Đường hướng của Việt Nam là rất rõ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Quốc hội nhất trí với các chuyên gia về sự cần thiết tiếp tục giãn cách và có hạn chế di chuyển “một cách thông minh hơn”, áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động.

Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao khuyến nghị của các chuyên gia về việc Quốc hội cần tăng cường hơn nữa năng lực hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới… Tăng cường giải trình tại các Ủy ban của Quốc hội để đồng hành hiệu quả nhất với Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch.  

Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề xuất của các chuyên gia về sự cần thiết phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp.

Trong đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế; rà soát tăng cường năng lực quản trị quốc gia và năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Về một số bài học của quốc tế có thể gợi ý chính sách cho Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần; đồng thời duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực chất ở đây là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa y tế và phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng linh hoạt theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch, không nhất thiết phải trên diện rộng và phải có lộ trình, mở dần nhưng có kiểm soát để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế.

Tin cùng chuyên mục