Hổ tang vật chết số lượng lớn, ai chịu?

Những ngày qua, một vụ việc gây xôn xao dư luận khi lực lượng công an phát hiện đến 17 cá thể hổ Đông Dương quý hiếm trưởng thành nuôi nhốt trong nhà dân ở Nghệ An. Nhưng, sau khi 17 cá thể hổ quý hiếm được cơ quan công an “giải cứu” thì 8 cá thể… lăn đùng ra chết trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. 

Sau khi "giải cứu", hổ được tiêm thuốc gây mê, cho vào lồng sắt và chuyển đến gửi chăm sóc tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Châu. Ảnh: C.A

Rạng sáng 4-8, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra nhà ông Nguyễn Văn Hiền (xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) và phát hiện 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành, được nuôi nhốt trong hầm kín trong nhà.

Cùng thời điểm, một mũi công tác khác kiểm tra nhà bà Nguyễn Thị Định (xóm Phú Xuân, cùng xã Đô Thành), phát hiện thêm 3 cá thể hổ Đông Dương khác được nuôi nhốt tại đây. Các cá thể hổ có trọng lượng trung bình từ 200kg - 260kg/con.

Những người liên quan khai nhận, đã mua các cá thể hổ khi còn nhỏ từ bên Lào, sau đó đưa về nhà nuôi nhốt và chăm sóc gần như chăm sóc heo.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, cơ quan chức năng đã đưa 17 cá thể hổ này về gửi chăm sóc tại Khu sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, sau khi được chuyển đến nơi mới, 8 cá thể hổ đã chết chưa rõ nguyên nhân.

Trả lời báo chí vì sao hổ được nuôi nhốt suốt một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) cho biết, Chi cục cũng đã đi kiểm tra nhưng không phát hiện được gì vì việc nuôi nhốt quá kín.

Việc 8/17 cá thể hổ quý hiếm bị chết sau khi cơ quan công an “giải cứu”, dư luận đặt vấn đề liệu có sự liên quan nào đến quá trình gây mê, vận chuyển hổ? Liệu việc gây mê, vận chuyển hổ có theo đúng quy trình cứu hộ thú lớn và có do những người có chuyên môn thực hiện hay không?

Chiều 6-8, trao đổi với PV SGGP, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ông chưa nhận được báo cáo, cơ quan công an đang điều tra và đề nghị phóng viên liên hệ với cơ quan công an.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) cho biết, nguyên nhân hổ chết đang được đơn vị phối hợp với cơ quan chuyên môn làm rõ. Việc hổ chết có liên quan đến kỹ thuật gây mê hay không phải chờ cơ quan chuyên môn kết luận.

Theo một cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), theo kinh nghiệm, khi vận chuyển hổ đi đến nơi khác thì tiến hành gây mê để đưa vào lồng sắt và phải chờ hổ tỉnh lại mới tiến hành vận chuyển.

Mặt khác, qua xem hình ảnh các cá thể hổ phát hiện tại xã Đô Thành cho thấy, các cá thể hổ này… quá béo. Như tại Vườn Quốc gia Pù Mát, khi tiếp nhận cá thể hổ nuôi nhốt, vườn phải chăm sóc cho hổ gầy bớt lại, đủ sức khỏe mới chuyển đến các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

Qua vụ phát hiện “nuôi hổ như nuôi heo”, câu hỏi đặt ra là vì sao việc nuôi nhốt hổ có thể “qua mắt” được chính quyền cơ sở, kiểm lâm địa bàn, công an địa phương?

Phải chăng, trong việc này có sự lơ là, buông lỏng của một số cán bộ? Hổ Đông Dương thuộc động vật quý hiếm, nguy cấp, cần được bảo vệ, nhưng khi cơ quan chức năng thu giữ “tang vật” quý hiếm này lại để xảy ra chết với số lượng lớn thì cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm?

Tin cùng chuyên mục