Hình thức cách ly đối với các "F"

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế không sử dụng là F, nhưng người dân gọi thành quen. Người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thì bắt buộc phải cách ly tập trung (tức F1). Còn những người tiếp xúc với F1 cách ly tại nhà. Nếu F1 âm tính thì những người còn lại an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì hội nghị. Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh thành với hơn 1.700 đại biểu tham dự từ 67 điểm cầu trên cả nước.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị toàn hệ thống mặt trận và các tổ chức thành viên vào cuộc quyết liệt để cùng Chính phủ, chính quyền các địa phương ngăn chặn dịch. Phát huy vai trò của mặt trận, tổ dân phố, các tổ chức thành viên trong vận động nhân dân bình tĩnh phòng chống dịch. Tránh tụ tập đông người, tránh hội họp, lễ lạt, mít tinh... Cùng với đó, vận động nhân dân yên tâm tin tưởng vào công cuộc phòng dịch của Chính phủ, không lo lắng trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu nhấn mạnh, tình hình dịch tới đây sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong đó, châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch. Việt Nam giai đoạn đầu đã ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm, nhưng tại thời điểm này dịch đã chuyển sang giai đoạn mới, cần thay đổi cách làm, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn mới, và chắc chắn sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới; điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích rõ 3 đường lây của vius Corona: qua giọt bắn, tức khi ho, hắt hơi gây bắn virus qua giọt nhỏ, vì thế khuyến cáo của ngành y tế là đứng cách xa 2m (Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1m); qua đường lây trực tiếp (tiếp xúc gần, bắt tay với người bệnh); qua tiếp xúc các bề mặt (virus có thể đọng lại trên các bề mặt, người dân có thói quen đưa tay lên mặt gây nhiễm).

Như vậy, virus có thể lây qua không khí, qua tiếp xúc, qua bề mặt nhất là ở các nhà vệ sinh công cộng. Do đó, Bộ Y tế luôn khuyến cáo phải rửa tay hàng ngày, vì virus này rất “sợ” các hóa chất tẩy rửa.

Hình thức cách ly đối với các "F" ảnh 1 Hà Nội phun hóa chất khử khuẩn vệ sinh những khu phố có người mắc Covid-19
Về triệu chứng của bệnh nhân: trên 90% có biểu hiện sốt, do đó phải sàng lọc bằng cách đo thân nhiệt; ho (đây là nguồn gây lây nhiễm lớn nhất); có biểu hiện như bệnh cúm (đau mỏi cơ, người...). Nhìn chung các biểu hiện lâm sàng rất giống bệnh cúm. Thời gian ủ bệnh từ 11-14 ngày, nhưng thường là 5-6 ngày. Thời gian có khả năng lây cho người khác mạnh nhất là từ ngày 2-7, đó là lúc virus phát triển mạnh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tiếp xúc có thể bị lây nhiễm hoặc không.

Ông Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, ngành y tế có khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19, 16 ca đã chữa khỏi, kể cả trường hợp cao tuổi, có bệnh nền. Toàn hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc phòng chống dịch ngay từ đầu, vì vậy hiệu quả rất tốt, nhất là lực lượng công an, quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu chứ không phải đợi dịch bùng phát mới vào cuộc. Kinh nghiệm này cần tiếp tục được áp dụng cho giai đoạn 2. “Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Có nhiều ngày Thủ tướng Chính phủ gọi cho thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch không dưới 10 lần”, ông Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tiếp tục các giải pháp phòng dịch cho giai đoạn mới, ông Nguyễn Thanh Long khẳng định phải tiếp tục việc cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Theo đó, cách ly nghiêm ngặt 14 ngày đối với người về từ vùng dịch nhằm ngăn dòng người từ các nước về Việt Nam, ngăn chặn nguồn lây. “Như Hàn Quốc ban đầu chỉ cách ly người về từ 2 vùng dịch nhưng sau đó phải cách ly toàn bộ người về từ Hàn Quốc. Các nước châu Âu chúng ta cũng sẽ làm tương tự như Hàn Quốc. Cùng với đó triển khai việc khai báo y tế điện tử để bảo đảm theo dõi được tất cả những người nhập cảnh Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, thông tin về dịch Covid-19 được công bố minh bạch, kịp thời, không che giấu thông tin. Tuy vậy, hiện nay vẫn có quá nhiều nhận thức sai lầm về công tác phòng chống dịch, gây tâm lý xã hội hoang mang. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân tin tưởng vào giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, không hoang mang, lo sợ. Cùng với đó, mỗi người dân là một chiến sĩ phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như tham gia bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, ví dụ phát hiện ai đi từ vùng dịch về mà chưa được cách ly thì báo tin cho chính quyền.

Ông Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, từ khi thực hiện tờ khai điện tử, toàn bộ dữ liệu của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được nắm bắt. Đêm ngày 10-3-2020, Ban Chỉ đạo đã tìm được toàn bộ danh tính của 201 hành khách trên chuyến bay VN0054 (chuyến bay có bệnh nhân 17 và các bệnh nhân dương tính khác).

Với phương châm hành động sớm để cách ly, khoanh vùng và dập dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày thông qua 3 hình thức: Thứ nhất, cách ly tại các cơ sở y tế đối với những người dương tính, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (F0, F1). Thứ hai, cách ly tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người bệnh (F2, F3). Thứ ba, cách ly tại các cơ sở quân đội, công an và cơ sở lưu trú do chính quyền các tỉnh, thành phố chỉ đạo đối với những cá nhân từ các nước ở vùng dịch về Việt Nam. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ thực hiện cách ly cho phù hợp để làm chậm quá trình lây lan của virus và giảm tối đa lây nhiễm.

Việc điều trị cho bệnh nhân hiện nay đang được thực hiện thông tuyến, bệnh nhân phát hiện ở tuyến nào thì điều trị trực tiếp ở tuyến đó và tránh tình trạng điều trị tập trung, vì 80% bệnh nhân dương tính ở Việt Nam ở tình trạng nhẹ, nếu bệnh nhân nào nặng thì mới chuyển lên tuyến trên.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế không sử dụng là F, nhưng người dân gọi thành quen. Người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh thì bắt buộc phải cách ly tập trung (tức F1). Còn những người tiếp xúc với F1 cách ly tại nhà. Nếu F1 âm tính thì những người còn lại an toàn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế hiện nay, MTTQ TPHCM kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang và dụng cụ xét nghiệm nhanh phục vụ nhân dân, nhất là ở vùng trọng điểm.

Giải đáp điều này ông Nguyễn Thanh Long giải thích, khi dịch xảy ra, thiếu hụt khẩu trang là câu chuyện toàn cầu, không riêng Việt Nam, có thực tế người dân đi khắp nơi không mua được khẩu trang. “Ngay lập tức, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo khi nào dùng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Trong cơ sở y tế bắt buộc phải dùng khẩu trang y tế. Còn lại có thể sử dụng khẩu trang vải, khẩu trang vải thì không thiếu. Thủ tướng cũng đã miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nhưng chúng ta lại chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian qua họ không sản xuất, hiện nay Trung Quốc đã sản xuất lại nên tới đây sẽ có nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Cùng với đó, ta cũng tìm kiếm nguyên liệu ở thị trường khác. Thủ tướng cũng cấm không cho xuất khẩu khẩu trang. Cả nước có 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nên khi có nguyên liệu sẽ bảo đảm được khẩu trang y tế trong nước. Ngành y tế cũng đang tập trung mua, các địa phương có nhu cầu cần thiết thì báo cáo về Bộ Y tế, bộ sẽ điều tiết”, ông Nguyễn Thanh Long cho hay.

Tin cùng chuyên mục