Hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm Việt

Có mặt ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng trên thị trường thế giới. Đặc biệt, tại 50 nước được xác định là thị trường xuất khẩu chủ lực, sản phẩm Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu lớn nhất. Thế nhưng, nghịch lý là sản phẩm Việt lại khó trụ vững tại thị trường trong nước. 
Nhiều loại trái cây Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới
Nhiều loại trái cây Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới
Tâm lý chuộng hàng ngoại
 

Ghi nhận thực tế tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM cho thấy, rất nhiều người tiêu dùng ưu chuộng sản phẩm nông sản nhập khẩu nước ngoài. Chị Hoàng Thị Thanh Hương (ngụ phường Tân Phong, quận 7) cho biết, chị đang cùng gia đình lựa chọn sản phẩm dưa, táo… nhập từ Mỹ, Hàn Quốc… Khi được hỏi tại sao không ưu tiên sử dụng sản phẩm trái cây cùng loại của Việt Nam thì đa số họ đều trả lời trái cây nước ngoài chất lượng ngon hơn. Thế nhưng, nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Hội Chế biến lương thực thực phẩm TPHCM cho rằng, trái cây ngoại nói riêng và thực phẩm ngoại nói chung (ngoại trừ những trái cây không thể trồng trong nước) có bao bì bắt mắt, được thiết kế và in ấn cẩn trọng hơn hẳn sản phẩm nội. Tuy vậy, chưa hẳn chất lượng có thể ngon hơn nhưng giá thành chắc chắn cao hơn rất nhiều. Đơn cử như trái dứa (khóm) nhập khẩu từ lãnh thổ Đài Loan có giá trung bình khoảng 100.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Trong khi dứa Việt giá chỉ khoảng 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Nếu so ngang 2 trái dứa thì không có gì khác nhau, chất lượng cũng không chênh lệch nhiều nhưng khác là trái dứa nhập khẩu được bao bọc và có nhãn hiệu, thương hiệu nên giá thành cao hơn. 

Theo các chuyên gia thị trường, vấn đề khiến sản phẩm ngoại cùng loại chiếm được thị phần trong nước còn xuất phát từ tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Có nhiều người tiêu dùng trong nước luôn mặc định chỉ hàng ngoại mới có chất lượng tốt, còn hàng nội chất lượng không tốt bằng. Chính vì vậy, thay vì chọn hàng nội có chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn hàng ngoại.
 
Trên thực tế, hàng nội hiện đang có chất lượng rất tốt và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới. So sánh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 do Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đạt 1,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam là Thái Lan, Trung Quốc, 28 nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Thực tế này xuất phát từ chất lượng sản phẩm rau quả trong nước đã đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính trên thế giới. Đặc biệt hơn, với người tiêu dùng thế giới, rau quả Việt Nam được xem là đặc sản có chất lượng tốt, thơm ngon và tốt cho sức khỏe người dùng. 

Tăng cường quảng bá sản phẩm Việt

Để có thể cải thiện thị phần tiêu thụ sản phẩm rau quả trong nước, về phía Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ nông dân thực hiện giải pháp kiểm soát, kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt. Về lâu dài, đơn vị này đang phối hợp với các địa phương quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thuận quan điểm trên, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh đã ký kết và tổ chức thực hiện chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; hợp tác trong việc sản xuất vùng rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hình thành liên doanh, liên kết trong thu mua nông sản, thực phẩm. Trên thực tế, hiện tỉnh Tiền Giang đã hợp tác quy hoạch, tổ chức sản xuất 500ha rau an toàn và 3.000ha dứa. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Bộ Công thương cần thiết xây dựng quyền sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý đặc sản cho từng vùng miền. Việc xác định trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn hàng để thu mua, phân phối trong nước hoặc xuất khẩu. Song song đó, cần có những hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương hiệu và thiết kế, in ấn bao bì cho sản phẩm. Đây vừa là cách làm tăng cường nhận diện vừa giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Còn về phía địa phương, cần xúc tiến xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, trong bối cảnh trồng trọt, sản xuất của các nông hộ còn nhỏ lẻ, cần thiết liên kết hình thành các hợp tác xã để từng bước ứng dụng giải pháp sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cung cấp cho doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu. Riêng về phía doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ đầu vào, xây dựng thương hiệu và bảo đảm giá đầu ra hợp lý, ổn định cho nông dân. 

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nếu chỉ có sự nỗ lực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nông dân thì vẫn chưa đủ. Rất cần sự nhìn nhận đúng của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm Việt, hình thành thói quen ưu tiên tiêu dùng sản phẩm Việt. Đây cũng là cơ sở để giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và tạo được ngày càng nhiều sản phẩm tốt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, cũng như tạo sức bật để thâm nhập ngày càng sâu rộng ra thị trường thế giới.

Tin cùng chuyên mục