Hình thành mô hình liên kết nhờ quỹ hỗ trợ

Nhờ vào Quỹ hỗ trợ nông dân TPHCM (QHTND), nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh. Để nguồn vốn phát huy được, cơ quan quản lý đã theo dõi, định hướng giúp nông dân sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương. Từ đó, nhiều nông dân đã tập hợp những mô hình kinh tế, liên kết hợp tác cùng có lợi, cùng trách nhiệm.
Nhiều nông dân nhờ nguồn vốn vay đã trồng rau thủy canh, tăng chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao và sử dụng diện tích nhỏ
Nhiều nông dân nhờ nguồn vốn vay đã trồng rau thủy canh, tăng chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao và sử dụng diện tích nhỏ

Nông dân sản xuất bền vững, thoát nghèo

Theo Hội Nông dân (HND) huyện Củ Chi, nhờ vận động phát triển và tăng trưởng nguồn vốn cho các cơ sở, mà từ năm 2010 đến tháng 8-2020, nguồn vốn vận động của huyện là 382 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn, QHTND đã giúp nông dân có thêm điều kiện đầu tư chuồng trại, mua thêm cây, con giống phát triển sản xuất ngày càng ổn định. Ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch HND huyện Củ Chi, chia sẻ: “Từ những dự án nhóm hộ gia đình đã bắt đầu hình thành tính liên kết trong sản xuất thông qua việc các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập để tiếp tục phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn này. Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 255 hội viên nông dân vay vốn từ các nguồn quỹ hội, tham gia liên kết hợp tác từ nguồn vốn của QHTND”.

Theo HND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh), trong 10 năm qua, HND xã luôn thực hiện vượt chỉ tiêu được giao về phát vay nguồn vốn QHTND, doanh số cho vay hơn 15 tỷ đồng với hơn 470 lượt hội viên vay. QHTND của HND phường Thạch Lộc (quận 12) cũng cho 141 lượt hộ nông dân vay 1,2 tỷ đồng.

Tại quận 12, nhờ nguồn vốn vay, nông dân Phùng Minh Đức triển khai mô hình trồng 1.500 cây kiểng, hiện nay đã có 5.000 chậu cây; mô hình sản xuất giá thể xơ dừa thủ công đã đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ máy xay xơ dừa công suất lớn, tiêu thụ khoảng 5 tấn/năm, thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. 

Nông dân Võ Văn Thanh, với mô hình nuôi bò sữa 8 con, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm, sau khi vay nguồn vốn QHTND đã phát triển đàn lên 22 con, đầu tư ứng dụng công nghệ máy vắt sữa bò và sử dụng hầm biogas, tăng thu nhập lên 500 triệu đồng/năm, tiết kiệm chi phí chất đốt 20 triệu đồng/năm cho 5 hộ gia đình. 

Hướng dẫn, phát triển ưu thế địa phương

Để nguồn vốn được đưa vào sử dụng có hiệu quả, HND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) xác định những cây, con có hiệu quả kinh tế cao để hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất trực tiếp trên thửa đất của mình, tạo ra thu nhập. Bước đầu, hội xác định, hiện tại cây mai vàng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất phèn, HND mạnh dạn đăng ký mở các lớp nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng tạo dáng mai vàng, kỹ thuật sử dụng phân bón trên cây trồng… Nhằm phát huy được hiệu quả sử dụng vốn vay, HND xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả từ các nguồn vốn vay.

Sau khi tiếp cận được QHTND, bằng nhiều giải pháp khác nhau, HND huyện Cần Giờ hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất thủy sản phát triển mô hình nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao; từng bước chuyển đổi mô hình phù hợp với diễn biến thời tiết và môi trường; các phương tiện đánh bắt thủy sản ổn định, sản lượng tăng bình quân 14,72%/năm. Nhiều sản phẩm đã từng bước xây dựng thương hiệu nhờ QHTND như: yến Đăng Khoa, yến Anh Tài, HTX Cần Giờ Tương Lai, sản phẩm trứng vịt 3 Diện... 

Cùng với nguồn vốn được QHTND cho vay, nhiều nông dân ở TPHCM cũng mạnh dạn đầu tư hơn 1.718 tỷ đồng vốn tự có để mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập từng bước ổn định cuộc sống, tạo việc làm 97.010 lao động. 

Tuy nhiên, QHTND cũng còn những bất cập, như nguồn vốn cho vay, tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô vốn của cấp huyện quá nhỏ, chưa được ngân sách cấp vốn; công tác phát triển nguồn vốn chủ yếu từ vận động nguồn lực của hội viên nông dân đóng góp. Các mô hình xây dựng được còn nhỏ, tầm ảnh hưởng chưa sâu rộng; việc hỗ trợ vốn để hội viên làm nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp; chưa thật sự tham gia sâu vào công tác phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân trên địa bàn thành phố.

Từ đó, giai đoạn 2021-2025, HND thành phố đề xuất UBND TPHCM cấp bổ sung vốn điều lệ là 200 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ vốn vay cho hội viên nông dân đầu tư mở rộng xây dựng mô hình mới theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, kiến nghị QHTND Trung ương tham mưu, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý quỹ thống nhất toàn hệ thống trên phạm vi toàn quốc để thuận tiện cho việc kiểm tra, quản lý tài chính.

Theo HND TPHCM, tính đến 30-9, tổng nguồn vốn QHTND toàn thành phố đạt được 154 tỷ đồng, tăng 184,16% so với thời điểm quỹ mới “khai sinh”. Trong giai đoạn 2011-2020, doanh số cho vay nguồn vốn QHTND 3 cấp là 859 tỷ đồng/38.804 lượt hộ vay thực hiện 5.627 dự án. Cụ thể: cấp thành phố cho vay 3.052 dự án/789 tỷ đồng/30.275 lượt hộ vay; cấp huyện cho vay 213 dự án/6 tỷ đồng/605 lượt hộ vay; cấp xã cho vay 2.362 dự án/63 tỷ đồng/7.924 lượt hộ vay.

Tin cùng chuyên mục