Hình thành Chính phủ số vào năm 2025: Cần cách làm đột phá, mang tính khác biệt

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 30-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số xác định phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam. 

Thủ tướng đề nghị thời gian tới tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành. 

Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới.

Tin cùng chuyên mục