Hình ảnh bát nháo tại đền, chùa ngày đầu năm

Tại TPHCM, từ thời khắc giao thừa đến mùng 3 tết, các đền, chùa, lăng, miếu… đã đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến dâng hương và cầu nguyện một năm mới an lành. Năm nay đã có sự chuyển biến tích cực ở một số điểm, an ninh trật tự, an toàn cho người đi lễ được đảm bảo; tuy nhiên, một vài nơi chưa xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường, hình ảnh người ăn xin nằm ngồi nhếch nhác, phản cảm có vẻ tăng so với mọi năm.

Ở khu vực quận 5, nhóm người ăn xin, bán vé số ngồi dạt sang hai bên lối vào cổng chùa Minh Hương. Những người bán nhang, giữ xe chiếm hết lề và lòng đường của người đi bộ.

Khu vực chùa Ôn Lăng ở đường Lão Tử, quang cảnh xô bồ hơn vì các hàng quán ăn uống, nhang đèn và nhà dân lân cận nhận giữ xe đã chiếm dụng hết lòng lề đường. Mỗi hộ, cá nhân kinh doanh ngấm ngầm phân chia “lãnh thổ”, tận dụng triệt để việc kinh doanh trong dịp tết. 

Hàng ô tô đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) đậu dài dưới lòng đường, từ cổng chùa đến trước các nhà dân, do một nhóm người đứng ra nhận giữ xe, thu tiền, còn lề đường dành cho người đi bộ được tận dụng làm nơi giữ xe gắn máy. Khu vực lối vào chùa nhếch nhác vì hoạt động mua bán hoa, nhang đèn, vé số, sách bói toán, tử vi và những người ăn xin ngồi hàng dài đến tận bên trong chùa.

Cảnh mua bán bát nháo, lấn chiếm mặt tiền chùa và lòng lề đường vào lúc cao điểm như đêm giao thừa, trong ngày mùng 1 tết khiến giao thông trước cổng chùa ùn tắc, người đi lễ phải chật vật chen chân mới vào được bên trong. 

Hình ảnh bát nháo tại đền, chùa ngày đầu năm ảnh 1 Ăn xin trước cổng chùa Xá Lợi (quận 3)
Ở chùa Xá Lợi, sau khi được nâng cấp, sửa chữa, làm hầm để xe, đội ngũ ăn xin, bán vé số dạo, đã di dời từ chân cầu thang lên chánh điện ra phía ngoài cổng, góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Sư Thiện Chiếu.

Hình ảnh nằm ngồi lê la, ăn uống xả rác trước cổng chùa, tại bậc tam cấp đi lên nơi thờ cúng của “đội quân” ăn xin, bán vé số đã tạo nên một không gian rất nhếch nhác.

Đoạn đường Mai Thị Lựu xung quanh khu vực chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, quận 1), mấy ngày qua thường xuyên ùn tắc xe, dù đã có lực lượng dân quân tự vệ địa phương hỗ trợ, phụ điều tiết giao thông. Hai bên vỉa hè đoạn đường này được trưng dụng làm điểm giữ xe tự phát với giá từ 10.000 đồng/xe máy. Trước cổng chùa cũng phổ biến hình ảnh nhếch nhác của người ăn xin, bán vé số dạo... 

Tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, vừa ra khỏi bãi giữ xe đập ngay vào mắt du khách thập phương là các hàng nhang đèn, nước giải khát bày bán dọc lối vào cổng lăng, những chiếc xe bán vé số có trẻ em tật nguyền nằm ngủ lay lắt. Những người “quản lý” trẻ rất biết cách khai thác lòng trắc ẩn của người đi lễ đầu năm để bán vé số.

Bên trong khuôn viên lăng, bên cạnh hình ảnh mỹ thuật của tranh tết, ký họa chân dung, thì vẫn có những hình ảnh mất mỹ quan của hơn chục người bán vé số trải chiếu, ni lông, lót dép nằm ngồi dọc theo lối vào khu vực thờ cúng. 

Năm nay, con đường dẫn vào miếu Ngũ Hành - chùa Bà Châu Đốc 2, các hàng quán ăn uống, buôn bán đồ thờ cúng được sự thông báo, nhắc nhở của chính quyền địa phương nên không lấn chiếm không gian đường ra vô chùa như mọi năm.

Tuy nhiên, cảnh ăn xin, vé số ngồi dọc hai bên đường vào chùa vẫn tiếp diễn. Trong khu vực thờ cúng, khói hương nghi ngút vì nhiều người đi lễ nhưng ý thức kém, đốt cả bó nhang, dù đã có biển nhắc mỗi người chỉ nên thắp 1-2 cây nhang. 

Bên cạnh những hình ảnh không đẹp trên, không gian sinh hoạt lễ bái, dâng hương, tín niệm tại nhiều ngôi chùa khác như: chùa Sùng Đức, Huệ Lâm, Tuyền Lâm ở quận 6; chùa Ông trên đường Nguyễn Trãi quận 5; chùa Nam Thiên Nhất Trụ (chùa Một Cột) và tu viện Quảng Đức ở đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức... khá an lành, văn minh.

Đặc biệt, tết này tình trạng đốt giấy tiền vàng mã tại các nơi thờ cúng đã giảm đi rất nhiều, điều này thể hiện một nét văn minh trong thờ cúng, lễ bái của người thành phố.

Tin cùng chuyên mục