Hiệu ứng domino

Thời gian gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, lo lắng lớn của doanh nghiệp là sẽ có hiệu ứng domino tiếp theo đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường khác nữa trên thế giới.
Tại diễn đàn thương mại Việt - Mỹ vừa qua, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy hải sản Việt Nam cho biết, Mỹ đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm tôm Việt Nam. Tuy Mỹ chưa áp mức thuế và lộ trình áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam, nhưng điều này không có nghĩa vụ việc sẽ được khép lại. Ngoài ra, còn nhiều nước cũng đang điều tra phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu như nhựa, dệt may, da giày, điện - điện tử, thiết bị gia dụng… của Việt Nam. 

Cùng với đó, các biện pháp rào cản kỹ thuật cũng được các nước trên thế giới dựng lên dày đặc nhằm hạn chế xuất khẩu từ các nước khác, đồng thời bảo hộ hàng trong nước. Nhiều chuyên gia cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng tăng mạnh trên thế giới và sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nhiều nước vốn chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Đơn cử đầu năm 2017, hơn 800 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ bị đóng cửa chỉ vì quy định phải đăng ký lại thông tin và thiết lập đơn vị đại diện tại Mỹ. Hoặc như châu Âu gần đây đã đưa ra “thẻ vàng” với thủy hải sản xuất khẩu từ Việt Nam. Với sản phẩm nông sản là tiêu và cà phê, rau củ quả, Liên minh châu Âu cũng ban hành những ngưỡng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà phía Việt Nam rất khó đáp ứng…

Trước thực tế đó, để có thể xuất khẩu hàng hóa vào các  thị trường trên, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư lại quy trình, công nghệ sản xuất. Nguồn nhân lực cũng phải được đào tạo mới để đáp ứng quản trị và quy trình vận hành của công nghệ mới. Như vậy, với nội lực còn hạn chế của doanh nghiệp Việt, chỉ số ít doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, tiềm lực vốn mạnh mới có khả năng trụ lại thị trường khó tính trên thế giới. Cũng chính vì thế, xu hướng quay về lại thị trường nội đã được nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm. Thế nhưng, con đường trở lại cũng lắm chật vật, gian nan. 

Dễ thấy nhất là hệ thống phân phối nằm trong tay khối ngoại đang chiếm lĩnh thị trường. Họ thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam là ưu tiên tiếp nhận phân phối hàng nội; thế nhưng, với mức chiết khấu cao ngất ngưỡng cộng nhiều loại phí khác và yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa… khiến doanh nghiệp nội phải tự rút hàng ra hệ thống siêu thị ngoại và nhường thị phần cho hàng của nước họ. Riêng một số hệ thống phân phối nội như Co.opmart, Satra vốn là kênh phân phối chủ lực của hàng Việt nhưng cũng đang gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống do thiếu hạ tầng đầu tư. Thậm chí, tại nhiều địa phương có xu hướng ưu tiên cấp hạ tầng cho hệ thống phân phối ngoại, doanh nghiệp ngoại hơn doanh nghiệp nội. 

Theo các chuyên gia kinh tế, để gia cố nội lực, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp nội phát triển, việc thu hút đầu tư cần phải cẩn trọng. Trước hết, phải đồng nhất quan điểm từ Trung ương đến địa phương là thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải tận dụng để phát triển doanh nghiệp trong nước. Kết hợp kiểm soát chặt tình trạng đánh tráo nguồn gốc xuất xứ để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại; từ đó, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nội do bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

Riêng đối với phát triển thị phần nội địa, cần thiết phải tính đến giải pháp hỗ trợ hàng Việt giữ thị phần thông qua phát triển mạnh kênh phân phối hàng nội. Ngược lại, về phía doanh nghiệp nội cần thay đổi quan điểm theo hướng, hàng nội địa phải có chất lượng tốt, ngang bằng hoặc hơn hàng xuất khẩu. Có như vậy mới trụ chắc chân thị trường nội, giảm rủi ro khi đẩy mạnh xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục