Hiểu rõ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học để tránh thiệt thòi

Ngày 24-7, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả thi và phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Điều hiện nay phụ huynh, thí sinh (TS) quan tâm là đăng ký xét tuyển đại học vào ngành mình yêu thích. PGS-TS Nguyễn Thu Thủy (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề.

* PHÓNG VIÊN: Thưa bà, sau khi có điểm thi, nhiều TS, phụ huynh vẫn còn khá bối rối với việc đăng ký xét tuyển đại học, nhất là việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng xét tuyển. Nhiều TS đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng của trường nhưng lo nếu không đặt nguyện vọng 1 cho trường đã đảm bảo đậu liệu có bị rủi ro?

* Bà NGUYỄN THU THỦY: Bộ GD-ĐT đã đề nghị các cơ sở đào tạo phải thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, đồng thời TS phải nghiên cứu kỹ quy chế và các hướng dẫn tuyển sinh. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo hiện nay là cung cấp thông tin, hỗ trợ tối đa cho TS trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo quy chế và hướng dẫn tuyển sinh, TS sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17 giờ ngày 20-8. TS không nên vội vã đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ để tránh sai sót, nhầm lẫn nhưng cũng không nên để quá sát thời hạn hệ thống đóng lại. TS cũng cần phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).

Về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, TS phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, theo thứ tự ưu tiên. Sau khi hệ thống cùng các cơ sở đào tạo tiến hành lọc ảo các nguyện vọng, TS sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Khi biết kết quả thi THPT, kết quả học tập bậc THPT (học bạ), kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực…, các em có thể cân nhắc, xem xét sắp xếp và đăng ký nguyện vọng theo sở thích, năng lực sở trường của mình. Số lượng nguyện vọng không hạn chế, do đó hãy đặt nguyện vọng mình yêu thích nhất, ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống. Không nên chỉ ưu tiên đưa những ngành chắc chắn đỗ lên nguyện vọng 1 hay 2 bởi điều này sẽ làm giảm quyền lợi của các em.

Do đó, kể cả khi TS đã có thông báo trúng tuyển sớm vào 1 trường thì vẫn hoàn toàn có thể thể đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành khác, phương thức tuyển sinh khác. Quy định này của Bộ GD-ĐT nhằm tạo điều kiện tối đa để TS có thể đỗ vào ngành/trường mà mình mơ ước nhất, TS cần nắm rõ để không bị thiệt thòi.

* Nhiều phụ huynh vẫn chưa rõ nếu TS không đỗ nguyện vọng 1 và phải xét nguyện vọng 2 thì có được xét công bằng với các TS có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường đó không?

* TS chưa đậu nguyện vọng 1 mà xét đến nguyện vọng 2 thì nguyện vọng 2 của TS đó được xét cùng với những TS có nguyện vọng 1 vào cùng ngành/trường/phương thức. Các nguyện vọng trong cùng một đợt xét tuyển được các trường đại học xét bình đẳng như nhau, không phân biệt nguyện vọng thứ 1, 2 hay 3, 4, 5… TS điểm cao sẽ được xét trúng tuyển trước.

Do đó, TS có thể sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên phù hợp với mong muốn, sở thích của mình trên hệ thống xét tuyển. Hệ thống xét tuyển chung thực sự ưu việt để bảo đảm tối đa quyền lợi của TS.

* Vừa qua, nhiều phụ huynh bức xúc trước tình trạng một số trường yêu cầu TS trúng tuyển sớm theo phương thức xét tuyển phải cam kết đặt nguyện vọng 1 vào trường khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển của bộ. Thậm chí một số trường yêu cầu TS phải nộp học phí học kỳ 1 để “đặt cọc giữ chỗ”. Bà nghĩ sao về điều này?

* Điều này là vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Theo quy định, TS chỉ được xác định trúng tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của bộ. Hệ thống sẽ xác nhận TS trúng tuyển ở nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất. TS chỉ chính thức trúng tuyển vào 1 nguyện vọng khi đăng ký tất cả các nguyện vọng của mình trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, bao gồm cả nguyện vọng đã được các trường thông báo trúng tuyển tạm thời.

Bộ GD-ĐT cũng đã quy định không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với TS việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp học phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…). Bên cạnh đó, nguyên tắc trong quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ: TS được cung cấp một cách công bằng về thông tin, cơ hội xét tuyển hay trúng tuyển.

* Xét tuyển bằng điểm học bạ được coi là phương thức thuận lợi cho cả TS và nhà trường. Tuy nhiên, việc gia tăng xét tuyển bằng điểm học bạ cũng khiến dư luận lo lắng về nguy cơ “làm đẹp học bạ”, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào?

* Vừa qua, với việc xét tuyển bằng điểm học bạ của một số trường, báo chí đưa tin rằng trên 30 điểm mới đậu đại học. Đó là do chúng ta chưa hiểu đúng cách tính và bản chất điểm xét tuyển và điểm chuẩn tính theo học bạ. Điểm xét tuyển này thông thường được các trường xem xét cộng thêm một số điều kiện ưu tiên khác như chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, điểm ưu tiên khu vực/đối tượng…

Do đó, khi quy đổi ra thang điểm 30 thì một số ngành có điểm chuẩn vượt 30 điểm. Cách xem xét áp dụng phương thức xét tuyển nào thuộc quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường.

Đối với một số ý kiến cho rằng xét tuyển theo học bạ không đánh giá được năng lực TS, tôi cho rằng các trường có thể đánh giá năng lực TS dựa trên tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ xét riêng mỗi kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các trường thường xem xét đến các điều kiện khác, tiêu chí phụ khác đi kèm học bạ. Việc các trường đại học lựa chọn xét tuyển theo phương thức nào là tùy thuộc vào chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào của mỗi chương trình đào tạo.

Do đó, việc này hãy để tự các trường đại học đánh giá và lựa chọn được ứng viên phù hợp cho quá trình đào tạo. Tự chủ trong tuyển sinh cũng là quyền của các trường theo luật định, đồng thời cũng cần tuân thủ quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đã ban hành nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng đào tạo, về tính minh bạch, công bằng, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nền kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục