Hiểu rõ con mình

Dù sở hữu nền y học tiên tiến, nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Singapore hiện đang là một thách thức sau đại dịch Covid-19 đối với đảo quốc Sư tử này. 

Tháng 8-2021, một nữ sinh ở Singapore leo lên đường ray tàu lửa, nhưng may mắn thảm kịch không xảy ra khi đoàn tàu đã kịp dừng lại và cảnh sát đã được gọi đến để hỗ trợ cô bé. Theo số liệu công bố đầu năm 2022, tại Singapore, tỷ lệ tự tử ở những người độ tuổi 10-19 đã tăng từ 4 lên 5,5/100.000 người. 

Trẻ em bị căng thẳng dễ có suy nghĩ tiêu cực. Ảnh: iStock
Tiến sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần ở Singapore, cho rằng, người trẻ tuổi thường “vật vã” nhiều hơn so với người lớn để thích nghi với cuộc sống trong đại dịch. Nguyên nhân không chỉ từ việc học ở trường, mà đôi khi là do cuộc sống gia đình trở nên khó khăn và căng thẳng hơn. Người trẻ tuổi lại có xu hướng bốc đồng hơn người lớn và có nhiều khả năng hiểu sai thông điệp, nhìn mọi thứ một cách tiêu cực khiến những vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Trả lời phỏng vấn của CNA, nhiều thanh niên cho biết họ chỉ báo cho cha mẹ khi cảm thấy kiệt sức vì phải che giấu tình trạng của mình. Câu hỏi lớn là làm thế nào để phụ huynh giúp con cái? Theo nhà tâm lý học lâm sàng Cherie Chan, nhiều khi trẻ cởi mở về các vấn đề sức khỏe tâm thần, cha mẹ chúng lại nghĩ rằng đó chỉ là một giai đoạn. Một số người thì cho rằng con mình yếu đuối. Để hỗ trợ, tổ chức phi lợi nhuận Caregivers Alliance Limited (CAL) có chương trình dành cho người chăm sóc những bệnh nhân sức khỏe tâm thần. Theo Giám đốc điều hành CAL, Tim Lee, chương trình kết hợp kiến thức với các kỹ năng thực tế bằng cách giúp những người tham dự hiểu thêm về não bộ, các bệnh tâm thần, thuốc men, phương pháp điều trị, giao tiếp với người thân của họ cũng như khả năng phục hồi.

Mặc dù mối liên hệ nguyên nhân - kết quả giữa việc sử dụng Internet đối với các hành vi tự tử không rõ ràng, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tự tử đã sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin liên quan đến tự tử. Năm ngoái, một cô gái 16 tuổi ở Sarawak đã hỏi trên Instagram liệu mình nên chọn sự sống hay cái chết - và 69% đã bỏ phiếu cho cái chết. Vài giờ sau khi đăng thăm dò, cô được phát hiện đã chết. 

Đã có nhiều liên kết ngăn chặn tự tử rất khéo léo, bằng cách trích dẫn  những câu hỏi liên quan đến động lực sống hữu ích, trải nghiệm sống của các cá nhân... Cũng đã có những ứng dụng có khả năng trở thành công cụ phòng ngừa sớm hành vi tự tử. Ví dụ, CARA Unmask có một nền tảng kết nối người cần hỗ trợ tư vấn. Ứng dụng không được thiết kế để trở thành một nền tảng quản lý khủng hoảng, nhưng thuật toán của nó có thể phát hiện các từ khóa gợi ý nguy cơ tự tử khi người dùng đang trò chuyện với chuyên gia. CARA Unmask sau đó sẽ kích hoạt cảnh báo cho phép người dùng liên hệ Hội Bác ái của Singapore. Các tình nguyện viên cũng có thể can thiệp bằng cách truy xuất địa chỉ IP của người dùng và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. 

Thu thập và cập nhật những từ vựng mới mà giới trẻ đang sử dụng để ám chỉ rằng họ đang trải qua những suy nghĩ tiêu cực, từ đó phát hiện sớm ý định tự kết liễu cũng là một cách được sử dụng. Ngoài ra, cũng có những công cụ cảnh báo tự động cho phụ huynh khi các thuật toán của nó phát hiện ra ý định tự tử của con trẻ, như ứng dụng Bark. Phụ huynh sẽ được thông báo nếu trẻ em sử dụng cụm từ tìm kiếm tự tử trên điện thoại của chúng có cài đặt ứng dụng. Thông điệp các chuyên gia Singapore muốn nhắn gửi là: “Hãy hiểu con bạn là ai, chứ không phải muốn chúng trở thành như thế nào”.

Tin cùng chuyên mục