Hiệu quả từ đổi mới đánh giá học sinh

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành về sửa đổi Quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học quy định rõ, bắt đầu từ năm học 2020-2021, trường học có nhiều đổi mới trong đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ học sinh. Qua các đề kiểm tra cuối học kỳ 1 vừa qua, việc đổi mới này đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Đề thi gần gũi cuộc sống

Mới đây, đề kiểm tra học kỳ 1 môn Vật lý dành cho học sinh khối 11, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) có câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học về định luật Ohm vào cuộc sống.

Cụ thể, đề thi nêu rõ “Nhân dịp Noel 2020, An muốn trang trí cây thông bằng đèn led, mỗi đèn ghi (2V - 2W), mắc các đèn nối tiếp vào mạch điện kín gồm 10 pin suất điện động 1,5V… Hỏi An phải dùng bao nhiêu bóng đèn để đèn sáng bình thường?”.

Thầy Vũ Quốc Dũng, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Nguyễn Du, cho biết, mục đích của việc ra đề kiểm tra có lồng ghép các yếu tố thực tế, đặc biệt liên quan đến ngày lễ các em yêu thích để tạo cảm giác thoải mái cho các em khi làm bài. 

Tương tự, đề kiểm tra cuối học kỳ 1, môn Vật lý dành cho học sinh khối 10, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) có câu hỏi vận dụng kiến thức liên hệ tình huống đặt ra trong thực tiễn như sau: “Có một thanh niên phê ma túy bị kích động leo lên ngồi trên bảng hiệu tòa nhà cao 90m. Lực lượng cảnh sát TPHCM đã đến ứng cứu bằng nhiều hình thức, trong đó có một tấm nệm được cảnh sát đưa tới dưới sân gạch của tòa nhà này. Hãy giải thích công dụng của tấm nệm trong việc ứng cứu”. Mặc dù câu hỏi này chỉ chiếm 0,5 điểm trong tổng số điểm toàn bài, nhưng đã mang đến nhiều hứng thú cho học sinh.

Hiệu quả từ đổi mới đánh giá học sinh ảnh 1 Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) tham gia một dự án học tập
Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết, chương trình SGK hiện hành khá nặng về kiến thức mà thời gian lên lớp có hạn khiến giáo viên rất vất vả. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh là cần thiết.

“Việc ra đề kiểm tra lồng ghép kiến thức đời sống làm cho kiến thức khoa học trở nên mềm mại hơn, dễ tiếp thu. Tôi cho rằng, thời gian tới, sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần chú ý đến vấn đề này”, nhà giáo này bày tỏ.

Cũng theo ông Phú, việc ra đề thi lồng ghép kiến thức thực tiễn đặt ra yêu cầu giáo viên không ngừng học hỏi, nghiên cứu mục tiêu giảng dạy để có đề thi hay. Riêng đối với học sinh, việc đề thi được ra theo hướng đổi mới sẽ giúp các em không còn chủ quan ôm sách giáo khoa học vẹt, bản thân học sinh cũng thay đổi phương pháp tiếp cận kiến thức, đọc nhiều tài liệu tham khảo và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học...

Tuy nhiên, theo một giáo viên môn Ngữ văn (trường THCS ở quận 1), giáo viên ở nhiều trường THCS và THPT hiện nay vẫn mang tâm lý ngại đổi mới do sức ì của việc biên soạn đề thi trước đây, lo sợ bị dư luận “ném đá” nếu đề thi không phù hợp. Vì vậy, để giáo viên mạnh dạn đổi mới thì ban giám hiệu các trường phải chủ động khuyến khích, đưa yêu cầu đổi mới thành một trong những biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị.

Chuyển biến tích cực 

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Tân Phú (quận Tân Phú) nhận định, qua một học kỳ thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 26, cả thầy và trò đều có những chuyển biến tích cực. Lấy ví dụ ở bộ môn Hóa học, giáo viên này cho biết, số lượng bài kiểm tra đã giảm, thay vào đó là đánh giá học sinh dựa vào sản phẩm học tập hoặc các bài thuyết trình, phỏng vấn theo đội nhóm với các chủ đề cho trước.

Với cách làm này, học sinh giảm được áp lực học tập, giáo viên cũng giảm số lượng bài thi phải chấm. Qua thực tế giảng dạy, thầy Thanh cho biết, học sinh rất hào hứng với cách học và kiểm tra theo định hướng đổi mới, trong đó tăng cường các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm, phát huy năng lực phản biện cho các em. 

Đánh giá về những điểm tích cực của Thông tư 26, thầy Phạm Lê Thanh cho rằng, việc bài kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể thực hiện trên giấy hoặc máy tính; trong đó đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận đặc tả theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục giúp đánh giá sát thực hơn việc học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh, đồng thời tạo công bằng giữa học sinh các lớp…

Vận dụng cách đánh giá mới, giáo viên này đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá với từng mức độ phù hợp nhiệm vụ và đánh giá sản phẩm làm ra của học sinh thông qua các buổi trải nghiệm, cung cấp cho học sinh các tiêu chí đánh giá trước mỗi hoạt động. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, tùy theo điều kiện thực tế, đối tượng học sinh, yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, các trường có thể lựa chọn cách dạy học và đánh giá khác nhau. Bộ GD-ĐT khẳng định, đa dạng hình thức đánh giá không có nghĩa bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện giống nhau, dù đánh giá theo cách nào cũng phải có tiêu chí và thông báo trước cho học sinh.

Xung quanh việc một số trường chưa áp dụng xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả trong học kỳ 1 do chưa được tập huấn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, bộ đã ban hành hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục