Hiệu quả từ các dự án thuận thiên tại vùng Trung Trường Sơn

Ngày 21-4, tại TP Đà Nẵng, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF)
cùng Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về tiến trình phát triển các dự án thuận thiên trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. 
Sau gần 2 năm, một số dự án thuận thiên tại vùng Trung Trường Sơn đã mang lại hiệu quả tích cực cho hệ sinh thái rừng và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. 
Tại một số vùng núi ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), người dân các xã Cà Dy, Tà Pơ, Đắc Pre, La Dee,…đã biết lựa cây mây tự nhiên đủ chuẩn, đủ tuổi để khai thác, không còn tình trạng “thấy đâu chặt đó” như trước đây. Các cây mây non có thời gian phát triển, rừng mây được bảo vệ tốt hơn.
Để làm được điều đó, theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Lục Đông (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), thay vì đợi xe chở hàng đến tận nơi, với dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị đã liên kết với người dân vùng cao miền núi như ở các xã Cà Dy, Tà Pơ, Đắc Pre, La Dee,… (Nam Giang) và xã A Vương (Tây Giang) trồng mới và khoanh nuôi chăm sóc những rừng mây hiện có.
Bằng cách cung cấp cây giống chất lượng cao; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc; tổ chức tập huẩn khai thác, bảo quản mây tự nhiên để đảm bảo chất lượng, bán được giá cao hơn. Điều này vừa phục hồi những vùng rừng trồng vừa giúp cho người dân có sinh kế bền vững và tạo nguồn nguyên liệu lâu dài cho nhà máy. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, nhu cầu thị trường càng tăng, nhất là 2 năm dịch bệnh.
“Tiếp tục mở rộng ở vùng Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), người dân chính là chủ nhân chính của những vùng rừng mây và chúng tôi ký hợp đồng “bao tiêu” khu vực đó. Đến nay, nhiều hộ dân trước đây sống phụ thuộc vào rừng, thậm chí có người đi khai thác lâm sản, nay cũng đã có công ăn việc làm thông qua dự án”, ông Hiếu cho hay.
Còn Công ty TNHH MTV Sâm Sâm (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), bên cạnh nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô, công ty còn bảo tồn nguồn gen quý của cây sâm này tại thôn 2, xã Trà Linh và triển khai quy trình trồng sâm theo phương pháp khoa học.
Hiệu quả từ các dự án thuận thiên tại vùng Trung Trường Sơn ảnh 1 Người dân Nam Trà My thu thập sâm Ngọc Linh
Theo ông Lê Ngọc Duy, Giám đốc tài chính Công ty TNHH MTV Sâm Sâm, đối với mô hình trồng sâm, đơn vị giữ nguyên cấu trúc rừng nguyên sinh với độ phủ tán lên đến 80% và không hề có tác động tiêu cực nào đến sinh cảnh xung quanh. Hơn nữa, người dân vùng đồng bào dân tộc miền núi trở thành nhân lực chủ chốt tại vùng nguyên liệu của dự án bằng việc hướng dẫn khai thác, bàn giao công nghệ chăm sóc. Trong 6 năm tới, mở rộng từ 10ha lên 100ha, đơn vị dự định cung cấp cho thị trường 1 đến 5 triệu cây/ 1 năm.
Khép kín từ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến việc chăm sóc, di thực ra vùng trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng… để cho cây sâm sinh trưởng và phát triển như cây sâm nhân giống tự nhiên. Phương pháp này sẽ giúp giải bài toán chủ động được nguồn giống cho các vùng trồng sâm quy mô công nghiệp. Tuy vậy, cần có cơ chế khuyến khích để xây dựng mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà”, trong đó nòng cốt là quan hệ liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để rút ngắn quãng đường từ phòng thí nghiệm đến thực tế sản xuất.
Hiệu quả từ các dự án thuận thiên tại vùng Trung Trường Sơn ảnh 2 'Làng tỉ phú' Tắk Lang, nơi người dân đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh
Để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và công dân thông minh theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), các doanh nghiệp cần sự thay đổi về kỹ năng, phương pháp hoạt động, cách tiếp cận…nhờ những mô hình liên kết. Không những thế, các địa phương có sự rà soát về cơ chế chính sách để không làm cản trở hoạt động doanh nghiệp có tác động tích cực đến môi trường tự nhiên.

Tin cùng chuyên mục