Hiệu quả thực thi là khâu then chốt

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ khi trong hầu hết các cuộc họp, Thủ tướng luôn yêu cầu tập trung cải cách thể chế, bằng mọi giá tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế đã kéo dài nhiều năm, để tạo động lực mới, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển.

Hậu đại dịch Covid-19, một lần nữa lại đặt công cuộc cải cách thể chế lên “bàn cân” của những thách thức truyền thống lẫn hiện đại và tương lai. Những “tổn thương” từ nông đến sâu trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội buộc những nhà lãnh đạo từ quốc gia đến địa phương, những nhà hoạch định chính sách vĩ mô lẫn vi mô phải xem xét, rà soát trở lại một số tiêu chí, thang bậc giá trị quản trị cũng như trị giá nền kinh tế - thị trường sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng…

TPHCM không là ngoại lệ và những vấn đề thành phố phát sinh sau đại dịch lại càng là một “tập hợp con” đứng trước nhu cầu tất yếu của quản trị công. Trước những phức tạp, chồng chéo của “rừng” văn bản quy định, sự thiếu thống nhất của các cơ quan bộ ngành, của Trung ương với địa phương đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Nó vừa giảm tính tin cậy về sức vận hành đồng bộ của các chính sách nơi nhà đầu tư, vừa tăng chi phí và thời gian để “thông chốt” tất cả các quy định chồng chéo ấy. Và quan trọng, từ đó, tính trách nhiệm và giải trình trách nhiệm ấy của cơ quan quản lý càng thấp.

Đặt trong tình hình mới, khi buộc phải xác định “sống chung trong môi trường có virus”, nghĩa là tiến hành mọi giao dịch trong “một nền kinh tế không tiếp xúc”, phải gia tăng yếu tố công nghệ, đề cao nền kinh tế số. Cho nên, vừa tập trung tháo những điểm nghẽn truyền thống vừa tiếp tục thiết lập nền tảng công nghệ số, tích hợp dữ liệu và ứng phó với mọi rủi ro, kể cả rủi ro vô hình. Cần xem xét lại chính sách đổi mới sáng tạo, bằng cách giảm trọng tâm cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung chuyển giao công nghệ cho cộng đồng doanh nghiệp… như khuyến nghị trong Báo cáo Cập nhật đánh giá quốc gia Việt Nam 2021 từ Ngân hàng Thế giới. 

Bên cạnh đó, những lỗ hổng và khiếm khuyết của hệ thống hạ tầng đô thị và giao thông kết nối của các đô thị lớn đã đặt ra bài toán tái cấu trúc - quy hoạch để một mặt tái thiết trong môi trường sống mới, mặt khác từ đó có đủ sức chống chịu, thích ứng trước những rủi ro, khủng hoảng đến từ tự nhiên lẫn xã hội. Đây là một trong những kế hoạch ưu tiên khẩn cấp của chính quyền TPHCM bởi “trách nhiệm kép” gồm quy hoạch đô thị bền vững và phục vụ con người sinh tồn, lạc nghiệp lâu dài trong hệ sinh thái đô thị ấy.

Nhân đây, càng nên nhận diện sớm và sâu những tổn thương của một bộ phận người nghèo, người lao động có thu nhập thấp ở khu vực đô thị lớn. Trong và sau đại dịch, họ đối mặt với tình trạng mất việc, không có việc làm, không có thu nhập, nghèo đói. Họ cũng nhận ra (hay chính xã hội nhận ra họ) sự dễ bị tổn thương nhưng lại khó hồi phục bởi những sang chấn vô hình - hữu hình, tinh thần - thể chất… Các kế hoạch nhằm xây dựng chương trình an sinh bền vững, dài hạn sau đại dịch, trước hết là tập trung để “hàn gắn” đối tượng công dân - đô thị này.

Một thực tế phải nhìn nhận ngay tại TPHCM, trong suốt 5 tháng chống dịch vừa qua và cả trước đó, ý tưởng, kế hoạch chỉ đạo, hành động không thiếu; nhưng năng lực tổ chức triển khai, phối hợp thực thi đã bộc lộ nhiều hạn chế, ngay trong chính các sở ngành, quận huyện… Giải pháp để khắc phục tình trạng này là cần mạnh dạn thí điểm về chủ động phân quyền (đi cùng trách nhiệm) cho từng địa bàn, từng ngành - lĩnh vực; thiết lập cơ chế đội đặc nhiệm để kịp thời, nhanh chóng phát hiện, xử lý các vấn đề trọng tâm liên ngành, không để tái diễn hiện tượng im lặng, đùn đẩy qua lại giữa các đơn vị; tập trung đánh giá các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra, lượng hóa, đo lường các tiêu chuẩn, chỉ số hiệu suất công việc.
Mọi chủ trương, kế hoạch chỉ thật sự có ý nghĩa nếu thực thi có hiệu quả!

Tin cùng chuyên mục