Hiểu đúng về “bỏ thủ tục hành chính”

Một trong những thông tin được nhiều doanh nghiệp hồ hởi đón nhận gần đây là việc Bộ KH-ĐT vừa bãi bỏ 56 thủ tục hành chính (được ban hành tại Quyết định số 1038/QĐ-BKHĐT ngày 28-7-2017) như: quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đối với dự án không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

Có 2 thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 814/QĐ-BKHĐT là trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sân golf thuộc thẩm quyền của Thủ tướng (đối với dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), cũng được bãi bỏ…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nội dung của Quyết định số 701/QĐ-BKHĐT ngày 2-6-2021. Phần nội dung, lớn hơn, của Quyết định 701 là ban hành, công bố… 65 thủ tục hành chính “mới”. Trong đó, 10 thủ tục hành chính cấp trung ương gồm: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng...

Quyết định số 1038 nêu trên còn nêu rõ 55 thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm 22 thủ tục hành chính do sở KH-ĐT thực hiện, 23 thủ tục hành chính do ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện. Như thế, nói một cách chính xác hơn, không có chuyện “bãi bỏ” ở đây, mà chỉ là thay thế, sửa đổi, bổ sung cách thức, quy trình tiến hành các thủ tục hành chính hiện có, vốn đã được quy định trong Luật Đầu tư 2014 theo hướng được cho là đơn giản hơn, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư.   

Ghi nhận nỗ lực thay đổi này, song đại diện một số doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là chưa đủ. Sự thay đổi quyết liệt và căn cơ hơn, theo doanh nghiệp, là chỉ giữ lại những quy định nhằm khuyến khích và ưu đãi đầu tư; bỏ đi những quy định thuần túy “quản và siết”, vốn là một sự chồng chéo với các quy định quản lý chuyên ngành đã có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quan điểm này không phải không có lý. Trong quá trình xây dựng và thẩm tra 2 đạo luật rất quan trọng đối với nền kinh tế là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, đã có không ít ý kiến đề nghị đơn giản hóa các quy định về chủ trương đầu tư và chuyển danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện sang Luật Doanh nghiệp. 

Tương tự, một số thủ tục hành chính hiện nay, đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, cũng được coi là chưa hợp lý. Để thúc đẩy hoạt động tất yếu sẽ xảy ra này (và ngày càng phát triển triển mạnh hơn trong xu thế hội nhập toàn cầu), việc cần làm là tạo điều kiện hỗ trợ tối đa có thể. Còn nếu là để quản lý ngoại hối, hiện đã có các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Để đảm bảo hoạt động đầu tư đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia Việt Nam, thì đã có các quy định của nước tiếp nhận đầu tư - dù muốn hay không các doanh nghiệp đến đó làm ăn kinh doanh buộc phải tuân thủ... 

Tin cùng chuyên mục