Hiểu đúng để sử dụng hiệu quả

Lộ trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới đã bước sang năm thứ 2 và trong suốt quãng thời gian qua đã có không ít ý kiến của phụ huynh, giáo viên, báo chí và xã hội bàn luận. 

Đội ngũ giáo viên lần đầu tiếp cận, sử dụng SGK theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã gặp không ít khó khăn trong nhận thức và thực tiễn. Để thực hiện tốt việc sử dụng SGK mới cần phải có những nhận thức, quan niệm đúng về SGK, vượt qua được những trì trệ trong nhận thức cũ. 

Trước hết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định một chương trình có nhiều bộ SGK. Chương trình giáo dục (tổng thể và bộ môn) là pháp lệnh, còn SGK chỉ là một trong những tài liệu dạy học của giáo viên. Giáo viên và học sinh chỉ căn cứ vào chương trình với những yêu cầu cần đạt để lựa chọn nội dung dạy học ở trong SGK. 

Lợi ích của việc cho phép tồn tại nhiều bộ sách của một chương trình sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các nhà giáo dục phát huy khả năng chuyên môn và sự sáng tạo của mình biên soạn những bộ sách tốt cho nhà trường. Học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhà trường sẽ có điều kiện để chọn một bộ sách phù hợp nhất cho quá trình học tập, giảng dạy, đáp ứng những yêu cầu của hoàn cảnh nhà trường, địa phương và đối tượng học sinh. Ngoài bộ sách mà các trường đã chọn, giáo viên và học sinh có thể tham khảo thêm những nội dung tốt từ các bộ sách khác bổ sung cho việc dạy và học của mình. Như vậy, việc dạy và học đã vượt ra ngoài giới hạn một bộ sách có sẵn, duy nhất như trước đây, để làm phong phú thêm nội dung tiếp nhận tri thức của người học. 

Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn; quy định về tổ chức biên soạn và tổ chức thẩm định SGK. Theo đó, nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ chương trình, đảm bảo tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Biên soạn SGK lần này chỉ đưa những kiến thức cơ bản, phổ thông, không có nội dung trùng lắp giữa kênh hình, kênh chữ; hạn chế những nội dung làm nặng nề thêm cho dạy và học của giáo viên và học sinh. Nội dung đưa vào sách vừa đủ, bởi quá trình dạy học của giáo viên là tổ chức dạy học thông qua chuỗi hoạt động dạy học, một nội dung kiến thức có thể tổ chức nhiều hoạt động dạy học và từ đó có thể hình thành các phẩm chất và năng lực đa dạng cho học sinh.

Thứ ba, về tiêu chuẩn người biên soạn SGK cũng được quy định là phải tốt nghiệp đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK biên soạn. Đội ngũ biên soạn SGK lần này thu hút cả những giáo viên phổ thông đang trực tiếp đứng lớp chứ không chỉ các giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu. 

Thứ tư, về quy trình thẩm định cũng đã được quy định và thực hiện một cách rất chặt chẽ. Hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ GD-ĐT chỉ định, có ít nhất là 1/3 các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn học, có trình độ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục và có chuyên môn phù hợp với SGK được thẩm định. Các tiêu chuẩn SGK được chi tiết và cụ thể hóa bằng 40 chỉ báo, để hiểu đúng, chính xác và nhất quán trong vận dụng. 

Thực tế cá biệt cũng có bộ SGK, tập thể tác giả biên soạn và hội đồng thẩm định SGK cho ra một kết quả gây nhiều tranh cãi cho phụ huynh và xã hội. Điều đó chỉ có thể giải thích - do các tác giả còn cẩu thả trong biên soạn, “cố thủ” trong quan niệm cũ về SGK; còn Hội đồng thẩm định thì hoặc yếu kém về chuyên môn, hoặc thiếu kiên quyết với các tác giả nên để lại nhiều “hạt sạn” không đáng có trong bộ sách. 

Vì vậy, để có những bộ SGK tốt theo tinh thần đổi mới, thì từ nhận thức đến tất cả các khâu biên soạn, thẩm định, sử dụng đều phải làm việc một cách khoa học, nghiêm túc với một tinh thần trách nhiệm cao, mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tin cùng chuyên mục