Hiện tượng tư nhân "núp bóng" trong hoạt động báo chí có chiều hướng gia tăng

Báo cáo của Bộ TT-TT gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ phiên họp toàn thể của Ủy ban được tổ chức sáng nay 9-10, tại Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí; đạt mục tiêu từ 50% cơ quan báo chí hoàn thành việc sắp xếp theo mô hình này.

Theo Bộ TT-TT, thời gian qua báo chí Việt Nam tiếp tục lớn mạnh, phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 6-2018, cả nước có 857 cơ quan báo chí, tạp chí in được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo chí in thực hiện loại hình báo chí điện tử. 19.166 nhà báo đã được cấp thẻ nhà báo. Cả nước có 1.495 trang thông tin điện tử tổng hợp và 430 mạng xã hội được cấp phép.

Hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động báo chí nhìn chung được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng đã thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế trong lĩnh vực này. Đó là việc một số báo, trang thông tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, để xảy ra sai phạm, chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, đưa tin chưa được kiểm chứng hoặc không tuân theo kỷ luật đưa tin, vi phạm về các quy định của pháp luật về báo chí, về quảng cáo gây bức xúc trong dư luận.

Nội dung thông tin trên nhiều ấn phẩm bị trùng lặp, hiệu quả thông tin thấp, gây lãng phí cho xã hội. Một số cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể có nhiều cơ quan báo chí quá mức cần thiết.

Đặc biệt, dù không nêu số liệu cụ thể, song theo Bộ TT-TT, hiện tượng tư nhân "núp bóng" trong hoạt động báo chí có chiều hướng gia tăng.

Báo điện tử phát triển một cách ồ ạt, nhanh chóng, trong khi một số cơ quan báo chí chưa có bản lĩnh chính trị, đăng tin còn giật gân, câu khách....

Về những nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2019 - 2020, Bộ khẳng định sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm trong hoạt động báo chí.

Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí; đạt từ 50% cơ quan báo chí hoàn thành việc sắp xếp theo mô hình này. Các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, trừ những báo, tạp chí do nhà nước đặt hàng.

Báo điện tử được định hướng trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các báo điện tử phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và phục vụ thông tin đối ngoại.

Bộ TT-TT cũng đặt ra mục tiêu các doanh nghiệp và tổ chức trong nước dần chiếm lĩnh các phương thức cung cấp thông tin điện tử trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội trực tuyến; Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng internet vào mục đích xấu, vi phạm pháp luật, đạo đức và các chuẩn mực xã hội.

Tin cùng chuyên mục